Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ sự bức xúc trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Đưa ra tòa quốc tế cũng phải thận trọng
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, đại biểu Dương Trung Quốc đã chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ, nhắc nhở rằng năm 2014 là vừa tròn đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), và đưa ra một ý kiến sâu sắc: “Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ của ông cha ta phải đương đầu. Nói cách khác đó là căn bệnh thời khí không thể không tính đến nếu muốn thân thể quốc gia cường tráng, đủ sức chịu đựng những thách thức của thời đại. Sự ví von này không ngoài mục đích nhắc nhở rằng, sức khỏe của quốc gia không thể chỉ quan tâm ngắn hạn và một khi không chữa trị sớm thì dễ bùng phát vào cùng một thời điểm mà không lường trước được, đe dọa sự an nguy của quốc gia”.
Lời cảnh báo của ông Quốc cách đây 1 năm giờ đã trở thành một sự kiện làm sôi sục tinh thần đấu tranh bảo vệ dân tộc, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Điều này gợi nhớ cho chúng ta phải luôn ghi nhớ “bài học cảnh giác” với quốc gia láng giềng – Trung Quốc, với nhiều âm mưu đen tối, muốn từng bước gặm nhấm lãnh thổ Việt Nam.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cảnh báo, ngay cả khi đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, Việt Nam vẫn phải thận trọng. Ảnh: Ngọc Quang. |
Đồng tình với việc đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, nhưng theo đại biểu Dương Trung Quốc, điều này cũng đòi hỏi rất nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm kiến thức luật pháp, do đó đôi khi chiến thắng chưa chắc đã thuộc về người đúng (phía chính nghĩa). Do vậy, Việt Nam cần hết sức thận trọng.
Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu phân tích kỹ lịch sử thì những cuộc chiến với mọi chiều đại đến từ phương Bắc đều không phải do chúng ta khơi mào, mà chúng ta chỉ giữ một nguyên lý là độc lập và thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền của mình và tôn trọng các quốc gia khác.
“Việt Nam muốn để cho thế giới biết rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng nhưng nhân nhượng nó phải có giới hạn của nó. Khu vực Đông Nam Á và thế giới phải quan tâm đến để không những tạo ra hình thái ổn định ở khu vực mà nó còn bảo vệ những nguyên lý, những cơ sở luật pháp mà nó điều chỉnh toàn bộ hoạt động thế giới chúng ta trong bối cảnh hiện nay”, ông Quốc bày tỏ.
Kiên quyết, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Hữu Phước (đoàn TP.HCM) nhận định, sự nhún nhường của các lực lượng chấp pháp phía Việt Nam tại khu vực giàn khoan 981 là “sự khôn ngoan”.
Ông Phước nói: “Ở việc này như một sự đấu trí căng thẳng và sự khôn khéo là điều cần thiệt nhất. Khi Trung Quốc đưa tàu quân sự để bảo vệ sự khai thác của họ rõ ràng là có vấn đề khiêu khích, nhưng mình vẫn rất kiềm chế đưa cảnh sát biển ra, không đưa hải quân. Đưa cảnh sát ra thể hiện sự đề phòng, chống kẻ gian trong khi nếu đưa hải quân ra thì là sự đối đầu giữa hai lực lượng chính quy của hai nước. Trung Quốc cứ nhằm tàu mình mà đâm, Trung Quốc chỉ chờ mình nổ sung để phát động giao tranh. Vì vậy, mình đấu tranh phải khôn khéo, kiên trì, vận dụng tất cả những gì có được, trên hết là phải giữ được ổn định”.
Bên cạnh đó, đại biểu Phước cũng cho rằng, khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế, các bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông thì đó là cách ứng xử bài bản, chuyên nghiệp.
“Rõ ràng khi chúng ta ký kết như vậy thì chúng ta phải đảm bảo hành xử y như những gì chúng ta ký kết. Người nào không hành xử đúng là việc của họ. Giải quyết tất cả mọi chanh trấp trên cơ sở hòa bình, thương thảo với nhau, giữ nguyên hiện trạng để chờ đàm phán tiếp theo. Tôi cho rằng, Chính phủ đã làm tất cả những gì có thể và theo tôi đến thời điểm này nó cũng là cái tốt nhất”, ông Phước nói.
Các tàu phía Trung Quốc liên tục tấn công, nhưng lực lượng chấp pháp Việt Nam vẫn đang ứng xử bằng các biện pháp hòa bình. |
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội – ông Trần Văn Hằng nhận định, trước tình hình Trung Quốc vẫn bất chấp, phía Việt Nam cũng phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, không khoang nhượng.
“Tình hình hiện nay đang diễn biến phức tạp khó lường đòi hỏi chúng ta phải theo dõi chặt chẽ và có những phản ứng hết sức phù hợp, nhưng trong đó luôn phải giữ thái độ kiên quyết. Trung Quốc vẫn đang bất chấp, điều đó thể hiện rất rõ khi chúng ta đề xuất rất nhiều biện pháp tăng cường giao lưu để trao đổi, hiểu nhau sâu hơn và quan tâm đến những vấn đề chung của hai nước, nhưng sau hơn 20 lần đề nghị trao đổi song phương thì phía Trung Quốc vẫn tỏ ra ngông cuồng. Về mặt ngoại giao Quốc hội thì Quốc hội Trung Quốc im lặng trước sự kiện giàn khoan 981. Họ chủ trương không muốn gặp”, ông Hằng cho biết.
Cũng theo ông Trần Văn Hằng, những ngày sắp tới, Chủ tịch tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam, và sẽ trao đổi một số nội dung về vấn đề biển Đông.
“Chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp để nhân dân và Chính phủ các nước hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam, kêu gọi nghị viện các nước lên tiếng, trước hết là phải tuân thủ luật pháp Quốc tế. đặc biệt là Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên cũng phải tuân thủ.
Để làm được điều ấy, chúng ta phải thể hiện được tinh thần kiên quyết của mình bảo vệ chủ quyền, khẳng định lãnh thổ thiêng liêng không thể lùi bước”, ông Hằng nhấn mạnh.