Siêu thị Lotte, Ocean Mart lại bán hoa quả thối, hỏng

26/05/2014 15:14
Theo Tiền Phong
Hoa quả đã dập, hỏng thậm chí bị nấm mốc, thực phẩm không ghi xuất xứ hạn sử dụng vẫn nghiễm nhiên được bày bán ở một số siêu thị tại Hà Nội.

Điều này không chỉ gây mất niềm tin cho người tiêu dùng mà còn vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Theo phản ánh của một khách hàng, ngày nghỉ cuối tuần gia đình anh đi mua sắm tại siêu thị Lotte (Tây Sơn, Hà Nội). Thế nhưng, anh quá choáng khi thấy một hộp nho nhập ngoại đóng gói bị nổi nấm mốc vẫn bày bán.

Quan sát kỹ, hộp nho đen không hạt xuất xứ Chi Lê có giá 79.000 đồng được đóng gói từ ngày 5/5. Tính đến thời điểm đó, hộp nho đã nằm trên kệ hơn chục ngày, chưa kể thời gian vận chuyển, đóng gói trước đó.

Thịt không nhãn mác bày bán trong siêu thị. Táo dập bày bán tại siêu thị Lotte.
Thịt không nhãn mác bày bán trong siêu thị. Táo dập bày bán tại siêu thị Lotte.

Có mặt tại siêu thị, theo ghi nhận của phóng viên, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại tầng 3 không ghi chú hạn sử dụng sản phẩm. Nhất là các sản phẩm hoa quả nhập ngoại như cam, táo, nho khi nhập về được siêu thị xé lẻ, đóng gói và niêm yết giá nhưng không ghi hạn sử dụng cũng như ngày đóng gói, xuất xứ.
Chị Bích (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trước đó thấy nho Red có xuất xứ Nam Phi được đóng gói trong bao bì cẩn thận giá rẻ (chưa đến 50.000 đồng/ 5 lạng) nên chị mua về. Tuy nhiên, khi mua nhìn kỹ thấy siêu thị không ghi bất cứ thông tin nào về hạn sử dụng nên chị không dám cho trẻ con ăn.

Ngoài ra, tại gian hàng bày rau củ quả của siêu thị Lotte Mart, PV ghi nhận ngoài những sản phẩm đóng gói, một số sản phẩm có dấu hiệu dập, hỏng vẫn được bày bán. Cụ thể như, mặt hàng cao cấp táo Mỹ dập hỏng vẫn bày bán trên kệ. Trao đổi với PV, đại diện siêu thị Lotte ông Trịnh Cẩm Phong cho biết, siêu thị sẽ cho kiểm tra, xử lý và rút kinh nghiệm.

Tại siêu thị Đức Thành (Xa La, Hà Đông), hằng ngày vẫn bày bán các sản phẩm thịt tươi sống như thịt lợn, thịt bò các loại. Hằng ngày, siêu thị này nhập một khối lượng thịt nhất định về, sau đó chia nhỏ, đóng gói, bày bán trong tủ kính. Thông thường, siêu thị nhập hàng qua một công ty cung ứng, công ty đó có trách nhiệm trong việc gắn tem nhãn ghi chú rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nếu sản phẩm cắt lẻ đóng gói, siêu thị có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Vậy nhưng, lật cả 2 mặt của các gói sản phẩm thịt được đóng gói của siêu thị này không có bất kỳ nhãn mác nào ghi nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất hay hạn sử dụng.

Khi được hỏi, anh Tạ Trung Hoành, quản lý siêu thị lý giải: “Siêu thị luôn tuân thủ đúng quy định, có thể do nhân viên mới, không hiểu quy trình nên… quên”. Tuy nhiên, sau khi phóng viên cung cấp ảnh, clip quay hình ảnh thịt bò, thịt lợn không nhãn mác trong tủ kính những ngày trước đó, anh Hoành nói thêm: “Hàng thường bán hết trong ngày nên siêu thị không dán tem”.

Chiều ngày 6/5, trong khi đi mua sắm tại siêu thị Ocean Mart (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội), PV Tiền Phong mua phải hoa quả nhập ngoại bị hỏng bày bán dưới mác giảm giá. Tại kệ trưng bày hoa quả, chi chít táo, lê, nho Mỹ… có giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Một nhân viên liên tục nhặt những quả đã dập xuống kệ dưới và báo giảm giá đồng hạng cho tất cả các sản phẩm 40.000 đồng/kg. Thấy rẻ, nhiều khách hàng lựa chọn những quả nhìn bề ngoài vẫn có thể ăn được. Phóng viên cũng lựa chọn 1,5 kg hoa quả bao gồm táo, lê với giá 60.000 đồng/kg. Khi bổ ra bên trong, hầu hết hoa quả đã bị thối ruột không thể sử dụng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) cho rằng, trong quá trình hoạt động ban đầu, một số dịch vụ chưa đảm bảo là do sơ suất trong quản lý hành chính, nhân viên của siêu thị chưa thực hiện sâu sát quy trình. Sau khi có phản ánh của khách hàng, Cty Ocean Retail đã nghiêm túc rà soát các quy trình, phổ biến và yêu cầu nhân viên tuân thủ quy định của công ty. Ông Tuấn cam kết Ocean Mart sẽ luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, không vì lợi nhuận mà làm ẩu.

Vi phạm quyền được thông tin của khách hàng

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện tượng ghi nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, thậm chí không đúng đã từng xảy ra ở nhiều siêu thị. Ông Hùng khẳng định, nếu sản phẩm đóng trong các túi nhỏ mà không ghi các nội dung về xuất xứ hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng... thì rõ ràng đã không đúng theo quy định và không bảo đảm quyền được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa đối với người tiêu dùng.
 

 
Theo Tiền Phong