Đối thoại Shangri-la: Trung Quốc giấu quả đấm thép sau găng tay nhung

28/05/2014 10:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Tại diễn đàn Shangri-la lần này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm.
Bà Phó Oánh được xem như "quả đấm thép bọc nhung" của ngoại giao Trung Quốc tham dự Shangri-la năm nay.
Bà Phó Oánh được xem như "quả đấm thép bọc nhung" của ngoại giao Trung Quốc tham dự Shangri-la năm nay.

Nick Bisley, Giám đốc điều hành La Trobe châu Á thuộc đại học La Trobe và Brendan Taylor, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng đại học Quốc gia Úc ngày 28/5 bình luận, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã một lần nữa leo thang căng thẳng trên Biển Đông.


Động thái này của Bắc Kinh được nhiều nhà bình luận xem như ví dụ mới nhất của phương pháp tiếp cận ngày càng hung hăng của Bắc Kinh đối với "lợi ích" trong khu vực. Vụ giàn khoan 981 là ví dụ mới nhất trong một chuỗi sự cố trên khắp châu Á cho thấy Trung Quốc đang ngày càng lên gân, khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực.

Nhà phân tích Alastair Iain Johnston từ đại học Harvard phân tích, chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong những năm 2000 không phải lúc nào cũng "tấn công quyến rũ" và những sự hung hăng của Bắc Kinh gần đây không phải điều gì quá mới.

Trái với nhiều đánh giá gần đây của giới học giả cho rằng đặc trưng chiến lược lớn của Trung Quốc là vụng về và phản tác dụng, Nick Bisley và Brendan Taylor cho rằng cách tiếp cận ngoại giao hiện nay của Trung Quốc thường phức tạp hơn nhiều so với những gì giới lãnh đạo Bắc Kinh thể hiện, đó là chính sách "quả đấm thép bọc nhung".

Ví dụ điển hình cho điều này là cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đối thoại An ninh Shangri-la sắp tới tại Singapore. Shangri-la năm nay đặc biệt với Trung Quốc vì có sự tham gia phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong lễ khai mạc. 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 tại Đối thoại An ninh Shangri-la.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ lên án Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 tại Đối thoại An ninh Shangri-la.
Trước đó ông Abe đã nhiều lần lên án các hành động gây hấn, khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông và đang nỗ lực sửa đổi hiến pháp để tăng khả năng tự vệ, hỗ trợ đồng minh và tham chiến tại nước ngoài.

Ban đầu có những nhận định cho rằng Bắc Kinh sẽ tẩy chay Shangri-la năm nay để phản đối sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản. Tuy nhiên đã có một quả đấm thép giấu trong chiếc găng tay nhung Bắc Kinh sẽ đưa ra khi cử Phó Oánh, một nữ quan chức ngoại giao làm trưởng đoàn tham dự Shangri-la.

Năm 2012, giữa lúc căng thẳng Philippines - Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough đạt tới cao trào, Phó Oánh đã nhắc nhở Manila "chớ phán đoán sai lầm, không leo thang căng thẳng bất chấp hậu quả". Thực tế đó là một lời đe dọa.

Đầu năm nay, bà Oánh cũng công khai chỉ trích quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Tại diễn đàn Shangri-la lần này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải đối mặt với một đối thủ đáng gờm.

Bắc Kinh thấy rằng Đối thoại An ninh Shangri-la là một diễn đàn phản ánh hiện trạng và củng cố sự thống trị của Mỹ trong khu vực. Với việc cử Phó Oánh làm trưởng đoàn dự Shangri-la năm nay cùng một đội ngũ tùy tùng hùng hậu, có thể thấy Trung Quốc đang thực hiện tốt tham vọng của mình tìm kiếm không gian hoạt động từ những "nguyên trạng" hạn chế.

Cách tiếp cận với Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay của Trung Quốc mang theo một thông điệp tinh vi nhưng đơn giản, họ muốn một trật tự khu vực mới khác hơn so với hiện trạng đang tồn tại. Và Bắc Kinh đang ngày càng sẵn sàng và có khả năng tìm kiếm lợi ích, không gian cho họ theo cách của riêng họ.

Hồng Thủy