Giáo sư Alan Dupont. |
Philstar ngày 28/5 đăng bài phân tích của Alan Dupont, giáo sư về an ninh quốc tế đại học New South Wales bình luận, Trung Quốc có thể chấp nhận mạo hiểm về tài chính kinh tế khi họ vẫn tìm cách thống trị tuyến hàng hải chiến lược ở Biển Đông, thách thức chủ quyền các nước trong khu vực cũng như vai trò của Mỹ.
Giáo sư Alan Dupont nhắc lại, không nên quên rằng quan hệ kinh tế - thương mại sâu rộng giữa Anh và Đức trong những năm đầu thế kỷ 20 đã không ngăn được 2 nước đi đến chiến tranh vào năm 1914.
Ông cũng trích dẫn một nghiên cứu gần đây của đại học Georgetown cho rằng các nước Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản có thể chấp nhận bỏ qua lợi ích kinh tế để theo đuổi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải.
"Sẽ là sai lầm khi kết luận rằng mức độ phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về thương mại là một đảm bảo cho hòa bình", Dupont nhấn mạnh.
Micah Zenko, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York cho biết, Mỹ có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi Washington ký hiệp ước đảm bảo an ninh song phương với Nhật Bản và Philippines.
Học giả này cho rằng các quốc gia liên quan có thể tránh được chiến tranh chỉ khi họ giải thích rõ ràng về các hoạt động của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi theo Dupont, Trung Quốc có nhiều cái được hơn mất khi họ củng cố chỗ đứng trong các vùng biển tranh chấp (thực tế là Trung Quốc nhảy vào tranh chấp - PV) giàu dầu mỏ, khí đốt.
Giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Thiếu hụt tài nguyên là một động lực quan trọng của chủ nghĩa bành trướng cơ bắp đơn phương của Trung Quốc, Dupont nhận xét. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ Trung Quốc đã thay đổi từ chỗ xuất khẩu sang nhập khẩu 55% lượng dầu mỏ tiêu thụ.
Biển Đông trở thành khu vực tranh chấp quyết liệt nguồn tài nguyên dầu khí, ngoài ra còn là 1 ngư trường phong phú mà Trung Quốc nhòm ngó vì nó rất quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia có dân số lớn nhất thế giới.
Đặc điểm dễ bị đe dọa về mặt tài nguyên đã đè nặng lên tâm trí của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ngoài những lo lắng về chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành, thì sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cũng là mối lo lớn. Bắc Kinh biết rằng đối thủ cạnh tranh của họ chính là Mỹ.
Với hạm đội 7 hùng mạnh của mình, Mỹ kiểm soát eo biển Malacca và hầu hết khu vực Tây Thái Bình Dương, những nơi chắc chắn Bắc Kinh đã ngắm đến.
Trong khi Tổng thống Mỹ Obama vừa kết thúc chuyến thăm Philippines, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước được coi là thành viên tiềm năng của một kiến trúc an ninh Mỹ đang cố gắng xây dựng, thì Tập Cận Bình cũng tìm cách thiết lập một "kiến trúc hợp tác" trong khu vực với Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Srilanka để cân bằng ảnh hưởng với Washington.
Theo dõi tình hình, phân tích bình luận về Biển Đông và toàn cảnh vụ giàn khoan 981 TẠI ĐÂY.