"Ăn rồi bảo chưa ăn"?
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải triển khai Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh bằng 100% nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Cũng từ đó, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Ban QLDA đường HCM) được thành lập – thuộc Bộ GTVT. Trong dự án này, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng (Cty Sông Hồng) được phê duyệt kết quả chỉ định thầu thi công gói thầu số 9 (QL14) thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Đơn và nhiều hồ sơ kèm theo của Cty Tân Việt Bắc gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tố cáo hành vi lừa đảo, nhận tiền bôi trơn của Công ty Sông Hồng 36. |
Quy định của Bộ GTVT về dự án này có 2 điều kiện được nêu rõ: Một là, không có nhà thầu phụ - nếu có thì phải được Ban QLDA đường HCM trình Bộ GTVT (được phê duyệt) mới được quyền tham gia; Hai là, nhà thầu phụ (được phê duyệt) chỉ được quyền tham gia không quá 30% tổng giá trị gói thầu…
Quy định là vậy, nhưng Tổng Cty Cổ phần Sông Hồng không báo cáo, rồi tự ý giao quyền cho Cty Cổ phần Sông Hồng số 36 (Cty 36) triển khai thi công dự án (gói thầu số 9); Cty 36 giao lại cho Cty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Cty Tân Việt Bắc). Theo hồ sơ và đơn tố cáo của Công ty Tân Việt Bắc, để được ký kết hợp đồng, họ phải chi gần 2 tỷ đồng tiền lệ phí “bôi trơn” mới có được “Hợp đồng hợp tác toàn diện” với Cty 36.
Một dự án quan trọng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; một công trường tấp nập với những con người và máy móc đồ sộ; một thời gian thi công kéo dài; rồi những quy định của Bộ GTVT khá chặt chẽ và rất cụ thể… thế nhưng, Ban QLDA đường HCM lại không hề biết Cty Sông Hồng đang làm gì và có tham gia trực tiếp thi công gói thầu số 9 hay không?
Trong khi đó, trên công trường, máy xúc, máy ủi, máy nu, con người... đều mang tên Cty Việt Bắc chứ không phải của Cty Sông Hồng? Việc giám sát, nhật ký công việc của từng ngày – hạng mục công trình của từng giai đoạn luôn luôn được kiểm tra lại không hề biết sao, hay là có biết nhưng im lặng (?!). Tại sao Cty Sông Hồng không báo cáo lại “Bịt mắt – lừa dối” Ban QLDA và Bộ GTVT, rồi tự cho mình cái quyền giao lại gói thầu cho Cty 36 được tham gia thi công?
Và thực tế trên công trường, đơn vị thi công không phải là Cty 36 mà lại là Cty Tân Việt Bắc thi công? Và Cty Sông Hồng cũng không có ý kiến gì vẫn để Cty Tân Việt Bắc thi công (?!). Tiếp đến Cty 36, là một nhà thầu phụ chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi được giao thi công gói thầu nhưng không làm, lại đem “bán” cho đối tác khác để kiếm lời. Không những thế, Cty 36 lấy (thành quả) khối lượng thi công của Cty Tân Việt Bắc làm hồ sơ “Tấu trình” gửi Cty Sông Hồng để Cty Sông Hồng có căn cứ pháp lý (khối lượng đã thi công) “trình” lên trên để nghiệm thu thanh toán với chủ đầu tư. Thanh toán xong, cả Cty Sông Hồng và Cty 36 cũng không thèm trả tiền cho Cty Tân Việt Bắc, mặc dù Cty Tân Việt Bắc đã làm rất nhiều công văn đòi tiền nhưng đến nay vẫn không trả(?!). Thực tế, Cty Tân Việt Bắc dùng 100% nguồn vốn của mình đầu tư khối lượng công việc. Trong khi đó, dự án này được ứng vốn để đầu tư thi công công trình.
Điều đáng nói ở đây, vai trò của Ban QLDA đường HCM đến đâu? Tại sao ông Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đã vào thị sát tại công trường thấy nhân lực, máy móc thiết bị thi công tại gói thầu số 9 là đơn vị khác tham gia thi công mà không phải là Cty Sông Hồng ông cũng không hề có ý kiến gì, trong khi đó ông biết rất rõ gói thầu số 9 này không hề có nhà thầu phụ (?!).
Còn Cty Sông Hồng, sau khi giao cho Cty 36 thi công gói thầu của một dự án trọng điểm tại sao không kiểm tra, giám sát mà lại để Cty 36 tự vượt quyền ký kết “Hợp đồng hợp tác toàn diện – gói thầu số 9” với nhà thầu phụ B “phẩy” (?!). Và Cty 36 đã lấy gói thầu số 9 đó mang đi “lừa đảo” nhiều doanh nghiệp để các đối tác khốn khổ cùng nhảy vào đầu tư. Không những vậy, Cty 36 còn dùng nhiều thủ đoạn làm cho các đối tác sống dở, chết dở - tự nản phải bỏ đi, rồi Cty 36 “vồ” luôn những khối lượng các đơn vị đã bỏ tiền đầu tư để làm “Bùa hộ mệnh” đi thanh toán. Phải chăng, ngay từ đầu Cty 36 đã có “ý đồ” nên mới có kiểu ký tá “Hợp đồng hợp tác toàn diện” với Cty Tân Việt Bắc nhưng lại không có dấu? mặc dù Cty Tân Việt Bắc yêu cầu rất nhiều lần nhưng cả ông Tổng Giám đốc và ông phó TGĐ Cty 36 đều lấy lý do “bận” để né tránh… Hợp đồng này, ông Phạm Xuân Phương – Phó TGĐ Cty 36 đã ký tên.
Nhiều doanh nghiệp "dính bẫy"
Một trò tiểu xảo “làm xiếc” của Cty 36, gói thầu số 9 thực tế chỉ có vài chục tỷ, nhưng phía Cty 36 lại tâng bốc lên nói rằng gói thầu số 9 này được duyệt là 160 tỷ đồng (chuyển giao toàn diện) lừa cho các đối tác “sướng phát điên”… các doanh nghiệp tưởng được món hời tranh nhau chi thêm nhiều tiền “bôi trơn” để được nhảy vào thi công gói thầu của dự án.
Chỉ với 1 dự án nhưng Công ty Sông Hồng 36 đã ký hợp tác toàn diện với nhiều doanh nghiệp khác nhau. |
Cũng cùng một gói thầu số 9, ngày 26/10/2013 Cty 36 ký “Hợp đồng liên danh” với Cty TNHH xây dựng Thành Đô. Trang đầu của hợp đồng ghi đầy đủ tên, chức danh là ông Tổng giám đốc – Nguyễn Duy Tới (đại diện Cty 36), đến phần cuối của Hợp đồng (đại diện Cty 36) lại ghi rõ chức danh và chữ ký của ông Phó TGĐ – Phạm Xuân Phương (có đóng dấu). Đến ngày 11/11/2013, cũng gói thầu số 9 Cty 36 lại ký tiếp “Hợp đồng hợp tác toàn diện” với Cty Tân Việt Bắc do ông Phạm Xuân Phương – Phó TGĐ ký nhưng không có dấu.
Như vậy, phải khẳng định rằng trong công tác quản lý và giám sát các đơn vị thi công một công trình trọng điểm của Quốc gia là có vấn đề. Những sai phạm chồng chất sai phạm chỉ tính riêng ở gói thầu số 9 (Dự án nâng cấp, mở rộng đường HCM) là rất nghiêm trọng. Vậy thì bao nhiêu gói thầu của cả một dự án lớn dọc chiều dài đất nước sẽ có những sai phạm giống như ở gói thầu số 9 này? Và nó sẽ còn nghiêm trọng hơn thế không? Dư luận sẽ đặt một câu hỏi lớn với Bộ trưởng – Đinh La Thăng (?!.)./.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc ở các kỳ tiếp theo.