Thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều thay đổi, thí sinh được lựa chọn 2/4 môn thi tốt nghiệp. Cả nước chỉ có hơn 104.959 thí sinh đăng kí dự thi môn Sử. Do đó, tại nhiều Hội đồng thi Sử chiều nay số thí sinh khá vắng vẻ.
Ghi nhận tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, số thí sinh thi sử có gần 30 em, đa số các em chọn môn sử vì đó cũng là môn thi Đại học và mong muốn hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc.
Các thí sinh ra khỏi phòng thi tâm trạng khá thoải mái. Ảnh: Hồng Nhung |
Bùi Phương Anh, lớp 12b1 chia sẻ: Em rất hài lòng về bài làm của mình. Câu 1 về cương lĩnh chính trị của Đảng, em phân tích kỹ và nêu ra đầy đủ sự kiện lịch sử. Câu 2, Phương Anh cũng nêu rõ nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Đặc biệt, câu 3 về nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, liên hệ với chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay thì Phương Anh tự tin: Em đưa ra những nguyên tắc bất di bất dịch của Liên hợp quốc và luận điệu sai trái của Trung Quốc khi thực hiện việc đặt giàn khoan 981 vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam. Ngoài ra em còn bày tỏ thái độ căm phẫn với việc làm của Trung Quốc và thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc ta từ xưa tới nay.
Đối với Nguyễn Thanh Trà, lớp 12a8 thì toàn bài Trà tự tin và thấy thú vị nhất câu 3. Em đưa ra dẫn chứng là Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, theo nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc thì chủ quyền biển đảo của Việt Nam cần được bảo vệ và giải quyết theo phương pháp hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Trà cũng chia sẻ tự tin chọn môn lịch sử để thi tốt nghiệp là để hiểu sâu sắc hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Nhân Chính, có 11 thí sinh đăng kí dự thi môn Lịch sử.
Sau thời gian làm bài 90 phút, các em ra khỏi phòng thi trong tâm trạng khá thoải mái, một số gương mặt cười tươi.
Theo ghi nhận của PV, đề Lịch sử năm nay không khó, bám sát chương trình SGK. Trong đó có một phần liên hệ trong câu hỏi 3.
Chia sẻ với PV, em Quý Minh cho biết: Đề Sử không khó, chủ yếu là kiến thức cơ bản. Em tính được 8 đến 9 điểm. Ở phần câu hỏi liên hệ nhỏ trong câu hỏi về Liên hợp quốc, em cũng làm khá tốt. Em liên hệ với chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay, đặc biệt chú ý vào việc phản đối bằng biện pháp hòa bình đàm phán, ngoại giao, không sử dụng vũ lực, trừ khi bị áp bức.
Theo em, với đề thi này, học sinh trung bình cũng có thể được 7 điểm.
Trong khi đó, Duy Hưng cũng tỏ ra khá vui vẻ khi nói về đề Sử: Đề năm nay dễ, chỉ cần chăm chỉ là có thể đạt điểm cao. Em làm tốt tất cả các câu hỏi, trong đó đặc biệt là câu hỏi liên hệ về chủ quyền biển đảo. Em nghĩ là mình phải được khoảng 9 điểm.
Nhận định về đề Lịch sử năm nay, thạc sĩ Châu Thủy Tiên, giáo viên Trung tâm Luyện thi đại học Miền Đông – Sài Gòn cho biết, đề thi năm nay câu 1 và câu 2 mang tính khái quát. Riêng câu 3 mang tính thời sự và lý luận rất cao. Tuy không bất ngờ, nhưng cách ra đề của câu 3 là một điểm mới trong đề thi lịch sử năm nay.
Theo chia sẻ của thạc sĩ Châu Thủy Tiên để làm được câu 3b, học sinh phải quan tâm đến tính hình thời sự diễn ra hàng ngày trên Biển Đông, đồng thời phải liên hệ thực tiễn hiện tại để có câu trả lời phù hợp. Câu 3, học sinh khó đạt điểm tối đa nếu không theo dõi sát tình hình biển đông và các quy tắc ứng xử của Công ước luật biển năm 1982.
Nhận định của thạc sĩ Thủy Tiên, với câu hỏi số 1 và số 2 sẽ là câu hỏi ăn điểm của thí sinh. Với dạng đề này, học sinh có học lực khá có thể đạt điểm 7 đến 8 sẽ nhiều.