Tây Ninh: Công an lạm quyền, can thiệp cả việc khiếu nại đất đai?

03/06/2014 08:28
Hải Ninh
(GDVN) - Việc giải quyết tranh chấp đất đai là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính quyền. Tuy nhiên, Công an Tây Ninh lại tham gia vào việc này khiến người dân bức xúc.

"Ủng hộ dự án nhưng phải làm đúng luật”

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương thành lập Khu Liên hợp Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Phước Đông- Bời Lời (gọi tắt là Khu Liên hợp Phước Đông-Bời Lời), với tổng diện tích hơn 2.800 ha, thuộc địa bàn hai huyện Gò Dầu và Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh. Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư Khu Liên hợp này.

Nghị Định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/10/2009. Đến ngày 28/12/2009, UBND tỉnh Tây Ninh mới ban hành Quyết định 2738/QĐ-UBND về phê duyệt phương án và dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời. Do đó, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án Khu liên hợp Phước Đông – Bời Lời phải thực hiện theo Nghị Định 69/2009/NĐ-CP.

Hầu hết những người dân có ký đơn khiếu nại đều có chung một quan điểm là ủng hộ dự án hết mình và mong muốn dự án được triển khai nhanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.
Hầu hết những người dân có ký đơn khiếu nại đều có chung một quan điểm là ủng hộ dự án hết mình và mong muốn dự án được triển khai nhanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2009 – 2011, UBND tỉnh Tây Ninh liên tục “bác” quyền lợi chính đáng của người dân. UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, các hộ dân có đất tại dự án “không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị Định 69/2009/NĐ-CP”.

Khiếu nại qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian và tiền của, cuối cùng, ngày 22/07/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 1218/TTG-KTN chỉ đạo UBND tỉnh Tây Ninh: “Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo và thực hiện việc rà soát lại phương án bồi thường; hỗ trợ chi tiết, trường hợp hộ gia đình cá nhân đã nhận tiền hỗ trợ thấp hơn so với mức quy định tại Nghị Định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính Phủ và Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 19/08/2010 của UBND tỉnh Tây Ninh thì tiếp tục được chi trả nhưng không cao hơn mức quy định tại Nghị Định 69/NĐ/2009/NĐ-CP và quy định cụ thể của địa phương”. 

Tuy nhiên, khi áp dụng Nghị định 69, UBND tỉnh tiếp tục có những quyết định “làm khó” cho người dân. Đó là, ban đầu khi xác định vị trí tính bồi thường, hỗ trợ, UBND tỉnh đều xếp vị trí đất của người dân là 1, 2, 3. Tuy nhiên, khi bồi thường, hỗ trợ theo Nghị định 69 thì UBND tỉnh lại “hô biến” đất của người dân xuống vị trí 5.

Hầu hết những người dân có ký đơn khiếu nại mà chúng tôi được gặp trực tiếp đều có chung một quan điểm là ủng hộ hết mình dự án và mong muốn dự án được triển khai nhanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, họ chỉ có một “thỉnh cầu” là chính quyền phải áp dụng mức giá đền bù, hỗ trợ theo đúng quy định của Nhà nước.

Theo Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC, ngày 08/1/2010 của Bộ Tài nguyên Môi trường – Bộ Tài chính thì: “Việc phân loại vị trí trong từng khu vực đối với đất ở tại nông thôn; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn trong trường hợp không điều tra được giá đất thị trường (không đủ 03 trường hợp chuyển nhượng đối với từng loại đất) thì căn cứ vào điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các lợi thế cho sản xuất, kinh doanh trong khu vực; khoảng cách đến trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại trong khu vực; trong đó các yếu tố và điều kiện nêu trên tại vị trí 1 là thuận lợi nhất, các vị trí tiếp theo có điều kiện kém thuận lợi hơn so với vị trí liền kề trước đó”. Căn cứ vào đây, các hộ dân cho rằng, hầu hết các thửa đất của họ đều đáp ứng đủ các tiêu chí ở vị trí 1, 2, 3. Vậy UBND tỉnh Tây Ninh căn cứ vào đâu để “hô biến” đất của người dân thành vị trí 5?

Công an lạm quyền?

Các quy định của pháp luật đều thừa nhận khiếu nại, tố cáo là quyền và nghĩa vụ của người dân, chính quyền có trách nhiệm phải giải quyết. Việc khiếu nại về tranh chấp đất đai là quan hệ dân sự, thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước hoặc Tòa án. Tuy nhiên, điều bất ngờ ở Tây Ninh là cơ quan Công an liên tục có giấy mời người dân lên trụ sở công an để giải quyết về tranh chấp đất đai.

Nhiều người dân có đất tại dự án cảm thấy lo sợ vì "suốt ngày bị Công an mời".
Nhiều người dân có đất tại dự án cảm thấy lo sợ vì "suốt ngày bị Công an mời".

Cụ thể, ngày 03/12/2013, Công an xã Phước Đông có “trát” mời hộ ông Lê Văn Lung, ngụ ấp Công Trắc, xã Phước Đông lên Công an xã để “làm việc theo yêu cầu của cơ quan công an”. Một giấy mời khác là ngày 28/12/2013, do Đại tá Lưu Công Bàng Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Dầu ký mời hộ Lê Văn Phải ở ấp Công Trắc, xã Phước Đông đến “Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Gò Dầu để làm việc liên quan đến đơn khiếu nại bồi thường đất trong KCN Phước Đông – Bời Lời”.

Tiếp đến là ngày 17/2/2014, Công an xã Phước Thạnh có giấy mời ông Nguyễn Văn Mon, ấp Phước Đông đến Công an xã để “cung cấp một số thông tin cho cơ quan công an”. Ngày 18/2/2014, Công an xã Phước Đông có Giấy mời ông Nguyễn Văn Dóc, ngụ ấp Phước Đức B để “làm việc theo yêu cầu của cơ quan công an”.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp thì không đẩy công an ra làm thay cho chính quyền. Không để công an giải quyết, đừng mượn tay công an giải quyết vì như vậy sẽ gây ra mâu thuẫn, bức xúc của người dân".

Ngày 22/2/2014, Công an xã Phước Thạnh tiếp tục có giấy mời hộ ông Nguyễn Văn Mon đến “Cung cấp một số thông tin cho cơ quan công an”. Cũng trong ngày 22/2, Công an Phước Thạnh có tiếp giấy mời cho ông Mon với nội dung “giải thích thắc mắc về đất bị thu hồi liên quan đến KCN Phước Đông – Bời Lời”. Cùng ngày, Công an Phước Thạnh mời bà Mai Thị Trắng đến để “giải thích thắc mắc khiếu nại giá đất đền bù liên quan đến KCN Phước Đông”…

Như vậy, với những “tờ trát” yêu cầu công dân khiếu nại về đất đai lên làm việc, Cơ quan Công an các cấp ở Tây Ninh đang lạm dụng quyền lực, làm thay công việc của chính quyền. Không chỉ thực hiện không đúng chức năng, bổn phận của mình mà việc liên tục mời công dân lên làm việc, cơ quan công an Tây Ninh đang khiến nhiều người dân lo sợ, không giám thực hiện quyền khiếu nại – tố cáo theo đúng pháp luật của mình.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Hải Ninh