Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hình minh họa. |
Thông tấn xã Đài Loan ngày 3/6 đưa tin, trong lúc điều hành phiên họp thường trực chính phủ gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phải đập bàn tức giận, phê phán lãnh đạo một số địa phương bộ ngành chỉ biết ăn không ngồi rồi. Giới học giả cho rằng, tình trạng "chính sách không ra từ Trung Nam Hải, hay còn gọi là tình trạng trên bảo dưới không nghe đã phổ biến từ lâu.
Tờ Tin tức Tài chính Trung Quốc hôm nay dẫn lời một cựu quan chức từng nằm trong bộ phận thanh tra chính phủ Trung Quốc cho biết, Lý Khắc Cường đập bàn là vì bất mãn với một số thuộc cấp chỉ khư khư ngồi giữ ghế mà không làm đến nơi đến chốn, nhiều lần nhấn mạnh phải điều chỉnh. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề của chính phủ Trung Quốc riêng trong khóa 18.
Theo cổng thông tin điện tử chính phủ Trung Quốc, việc ông Cường tức giận đập bàn xảy ra trong phiên họp hôm 30/5. Trong chuyến đi "điều nghiên" ở cơ sở ông đã phát hiện nhiều quan chức địa phương có thái độ không muốn làm gì, chỉ cần không để cơ quan, lĩnh vực họ phụ trách không xảy ra chuyện là được.
Khi phê phán các quan chức này, ông Cường đã phải thốt lên họ là những kẻ "làm giả ăn thật". Đây cũng không phải lần đầu tiên Lý Khắc Cường "phát hỏa" vì tình trạng trên bảo dưới không nghe. Trong các cuộc họp thường trực chính phủ trước đó ông cũng nhiều lần truy vấn các thuộc cấp đầu ngành.
Thông tấn xã Đài Loan cho rằng, căn bệnh mãn tính "trên bảo dưới không nghe" trong bộ máy chính quyền Trung Quốc có nhiều nguyên nhân, vừa bao gồm sự cạnh tranh giữa các bộ ngành, lại có thêm sự tranh giành ảnh hưởng của các tập đoàn lợi ích. Ở các địa phương, quan chức cũng mang đậm tư duy lợi ích cục bộ nên chính sách ban ra từ Trung Nam Hải rất khó triển khai.
Thậm chí quan chức Ủy ban Cải cách trong chính quyền một địa phương còn nói rằng, hiện nay đang có tình trạng "trên có chính sách thì dưới có đối sách" trong quan trường Trung Quốc và xem đây là "khiếm khuyết của thể chế."