3 ngày, Trung Quốc làm hỏng 24 tàu Việt Nam
Tại buổi họp báo quốc tế diễn ra tại Bộ Ngoại giao cuối giờ chiều nay, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, vào lúc 5h ngày 27/5, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, cách vị trí cũ 21,86 hải lý (cách phía Đông đảo Lý Sơn 143 hải lý; cách Đông Nam đảo Tri tôn 25 hải lý).
Hàng ngày, Trung Quốc sử dụng 30-137 tàu để bảo vệ khu vực giàn khoan 981, trong đó có 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa; Hộ vệ tên lửa; Tên lửa tấn công nhanh; Tuần tiễu săn ngầm; Quét mìn; Vận tải đổ bộ.
Ngoài ra còn có 33-42 tàu Hải cảnh, ngư chính, Hải tuần bộ; 20-22 tàu vận tảTrugi; 15-60 tàu cá...
Ngày 27/5 để bảo vệ giàn khoan 981 di chuyển, Trung Quốc sử dụng 9 tàu chiến; đồng thời thường xuyên sử dụng má bay tuần thám, trực thăng và máy bay cánh bằng, máy bay trinh sát bay nhiều vòng phía trên các tàu Việt Nam.
Tại buổi họp báo quốc tế chiều nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục cung cấp tới báo chí trong và ngoài nước nhiều hình ảnh, clip Trung Quốc hung hăng đâm va làm hư hỏng tàu Việt Nam, ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Quang. |
Ông Thu thông tin: “Trung Quốc có 3 vòng bảo vệ, vòng trong cách giàn khoan 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu bảo vệ; vòng giữa cách giàn khoan 4,5-5 hải lý có 40-45 tàu bảo vệ; vòng ngoài cách giàn khoan 10-12 hải lý có 25-35 tàu bảo vệ. Trung Quốc luôn bố trí 9-12 tàu bám sát các tàu Việt Nam; sẵn sàng ngăn cản, đâm va khi tàu Việt Nam tới gần để tuyên truyền sự xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương 981”.
Vào lúc 16h ngày 26/5, cách giàn khoan 16,5 hải lý, tàu cá Việt Nam số hiệu ĐNa 90152 bị tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm, 10 ngư dân trên tàu rơi xuống biển đã được các tàu cá của Việt Nam cứu vớt an toàn.
Đến 16h23 ngày 1/6, tàu Cảnh sát biển CSB 2016 ở phía Tây Nam cách giàn khoan 12 hải lý đã bị tàu Trung Quốc HC 46105 tăng tốc, dùng sung phun nước chế áp và đâm vào mạn phải, làm thủng 4 lỗ trên vạch mớn nước, gãy 7 cột lan can và 1 ống thông hơi.
Từ ngày 3/5 đến nay, các tàu bảo vệ Trung Quốc đã đâm va, phun nước gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên và làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 5 tàu Cảnh sát biển và 19 tàu kiểm ngư.
“Lực lượng tàu cá Trung Quốc luôn có khoảng 40-45 chiếc chia thành 2 tốp, luôn ngăn cản các nhóm tàu đánh cá của Việt Nam đang đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách giàn khoan từ 30-40 hải lý về phía Tây Nam và Tây Tây Nam”, ông Thu cho biết.
Cũng theo ông Thu, mặc dù tình hình căng thẳng, nhưng các tàu chấp pháp của Việt Nam luôn giữ được sự bình tĩnh, chỉ tìm cách tiếp cận tuyên truyền bằng cả 3 thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Anh), yêu cầu các lực lượng Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Ông Thu khẳng định: “Các tàu chấp pháp dân sự Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, mà chỉ thực hiện các biện pháp tuyên truyền”.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc sử dụng để đâm vào các tàu Việt Nam. Ảnh chụp từ clip Bộ Ngoại giao cung cấp. |
Trung Quốc tiếp tục xuyên tạc, vu cáo Việt Nam
Theo ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao), trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã có tới hơn 30 cuộc trao đổi về vấn đề trên với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không chịu rút giàn khoan mà còn xuyên tạc sự thật, vu cáo Việt Nam.
"Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc có những hành động leo thang mới, mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981, di chuyển đến vị trí mới nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa nhiều tàu quân sự và máy bay đến khu vực giàn khoan 981. Các tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công tàu Việt Nam bằng vòi rồng công suất cao, vay hãm và đâm va nhiều lần vào tàu Việt Nam, làm bị thương một số cán bộ kiểm ngư của Việt Nam", ông Hải nói.
Đặc biệt nguy hiểm, vào ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá số hiệu ĐNa 90152 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, các tàu của Trung Quốc còn vô nhân đảo, tìm cách ngăn cản tàu Việt Nam cứu các ngư dân trên con tàu vừa bị đâm chìm.
"Vào ngày 23/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần thứ 2 trao công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên tiến hành đàm phán xác định tính pháp lý khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, nhưng đến nay Trung Quốc vẫn lảng tránh không trả lời công hàm của Việt Nam", ông Hải cho hay.
Trước thông tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh nói tàu Việt Nam đã 120 lần đâm vào tàu Trung Quốc, ông Trần Duy Hải khẳng định: "Đây là sự bịa đặt trắng trợn, vì Việt Nam có đầy đủ bằng chứng việc tàu Trung Quốc phun nước, đâm húc các tàu Việt Nam, thậm chí cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam. Chúng tôi đã công bố với thế giới toàn bộ sự thật về hành động ngang ngược của Trung Quốc. Còn phía Trung Quốc xuyên tạc, bịa đặt nhưng không thể đưa ra được một bằng chứng nào".
Sự ngang ngược của Trung Quốc được công bố tại buổi họp báo chiều nay thu hút sự chú ý của nhiều hãng thông tấn quốc tế. Ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng tại buổi họp báo chiều nay, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, trong số hơn 20 tàu Kiểm ngư của Việt Nam tham gia thì có 19 tàu bị Trung Quốc phun nước, đâm va làm hư hỏng nặng, 12 cán bộ kiểm ngư bị thương.
Ông Lê cho biết: "Mặc dù chủ động đâm chìm tàu cá Việt Nam nhưng Trung Quốc lại xuyên tạc, vu khống tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, cán bộ chấp pháp của Việt Nam đã kịp ghi lại toàn bộ hình ảnh tàu Trung Quốc chủ ý đâm chìm tàu Việt Nam. Đây là một hành vi vô nhân đạo".
5 vụ điển hình tàu Trung Quốc đâm húc, phá hoại tàu Việt Nam
Ngày 7/5, tàu cá QNg-96416-TS khi đang khai thác hải sản tại vùng biển cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 15 hải lý về phía Nam, cách vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khoảng 70 hải lý thì bị tàu chiến của Trung Quốc số hiệu 1241 truy đuổi, bắn đạn pháo sáng cảnh báo; ném bùn, búa, ốc. Đồng thời một tàu Ngư chính khác của Trung Quốc tham gia truy đuổi, đâm trực diện vào phần đuôi tàu QNg-96416-TS.
Ngày 12/5, 2 tàu cá QTr-91119-TS của ông Bùi Xuân Tân và tàu cá QTr-96868-TS của ông Võ Văn Hữu đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc truy đuổi, cắt lưới, tích thu các trang thiết bị máy móc và sản phẩm trên tàu.
Ngày 16/5, tàu cá QNg-90205-TS đang khai thác tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Ngư chính Trung Quốc số hiệu 306 tấn công. Hai ngư dân của Việt Nam là Nguyễn Huyền Lê Anh (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi) bị các nhân viên trên tàu Ngư chính Trung Quốc hành hung; cướp tài sản, ngư cụ.
Ngày 17/5, tàu cá QNg-96011-TS đang khai thác tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (cách đảo Tri Tôn 31 hải lý), bị tàu Trung Quốc số hiệu 21102 tấn công, đập phá thuyền thúng, cửa kính, cắt dây hơi, cướp 400kg hải sản và máy dò cá.
Mới nhất vào ngày 26/5, tàu cá ĐNa-90152 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan Trung Quốc 17 hải lý thì bị tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 chủ động tấn công, đâm chìm. Các tàu Trung Quốc sau đó tiếp tục áp sát, ngăn cản các tàu cá Việt Nam cứu 10 ngư dân trên tàu bị đâm chìm.