Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa kết thúc và được Bộ GD&ĐT đánh giá là nghiêm túc và an toàn, đúng quy chế. Đặc biệt, kỳ thi năm nay ở các dạng đề với các môn xã hội được dư luận đánh giá cao về cách thức ra đề, thời gian làm bài, tất cả phù hợp với năng lực cũng như trình độ bậc phổ thông.
Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện thi tốt nghiệp tự chọn với 4 môn thi, nhưng thực tế các Hội đồng thi phải làm việc như 8 môn thi, điều đó có thực sự cần thiết? Là người trực tiếp tham gia công tác coi thi tốt nghiệp vừa qua, thầy giáo Trần Trung Hiếu-giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cảm nhận được ý nghĩa của mỗi câu hỏi trong đề thi và nỗi khổ của giám thị coi thi khi phải chờ đợi.
Đề thi về biển đảo không gì tốt hơn cho học sinh nêu quan điểm
PV: Ba môn của kỳ thi tốt nghiệp năm nay (Văn, Sử, Địa) đều nhắc đến vấn đề biển đảo, đến chủ quyền quốc gia và lòng yêu nước. Thầy đánh giá thế nào ở khía cạnh tính thời sự của dạng đề này?
Thầy Trần Trung Hiếu: Như chúng ta đã biết, trong hơn 1 tháng qua, vấn đề chủ quyền biển đảo đã trở thành mối quan tâm đặc biệt dư luận xã hội và báo chí trong và ngoài nước.
Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động trắng trợn, ngông cuồng vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Việt Nam. Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
Lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc của nhân dân Việt Nam luôn cháy bỏng qua hàng ngàn năm lịch sử đã được hâm nóng và khơi dậy một cách mãnh liệt. Mỗi lứa tuổi, mỗi ngành nghề khác nhau đều có những cách thể hiện lòng yêu nước cũng không giống nhau.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ảnh Xuân Trung |
Điều đáng mừng là trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 vừa kết thúc, các môn thi tự luận khối C Văn, Sử, Địa, đề thi ở từng môn khác nhau, mức độ khác nhau đều có các câu yêu cầu thí sinh đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo và các hành động bạo ngược của Trung Quốc.
Để chống lại các hành động bất chấp đạo lý và pháp lý quốc tế của chính quyền Trung Quốc, chúng ta đã và đang đấu tranh bằng phương pháp chính trị, ngoại giao hòa bình để lên án mạnh mẽ những hành động vô lý, phi lý.
Nhân dân Việt Nam và cộng đồng thế giới đã và đang lên án mạnh mẽ những hành động ngang ngược và cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc.
Xét trong phạm vi của ngành giáo dục, việc khơi dậy và giáo dục lòng yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc là một việc làm cần thiết, bởi chính họ là những chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ đảm nhận sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc Bộ GD&ĐT ra đề thi ở các môn Văn, Sử, Địa nhắc đền những kiến thức về chủ quyền biển đảo vừa mang tính giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, vừa đáp ứng đông đảo sự quan tâm của thế hệ trẻ vừa mang tính thời sự sâu sắc khi cả nước đang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.
Theo thầy, học sinh rèn luyện được gì qua những dạng đề mở như vậy?
Thầy Trần Trung Hiếu: Thứ nhất, đề thi môn Sử trong các kỳ thi Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng nhiều năm qua thường bắt thí sinh phải trình bày nhiều kiến thức, con số, sự kiện ngày tháng năm.
Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho học sinh dù rất yêu Sử rất ngại học Sử và thi Sử. Với cách thức ra đề thi ở 3 môn Văn, Sử, Địa nói chung và môn Sử nói riêng, chúng tôi thiết nghĩ đây là một phương án khá hiệu quả nhằm hạn chế cách học lệch, học tủ cho học sinh và thói quen đưa tài liệu vào phòng thi để quay cóp của thí sinh.
Thứ hai, đề thi có phần câu hỏi mở sẽ rèn luyện kỹ năng tư duy, trí tuệ đang thay dần cách ra đề thi chỉ thiên về trình bày kiến thức, sự kiện (kỹ năng nhận biết kiến thức) bằng kỹ năng phân tích, nhận xét, đánh giá (kỹ năng thông hiểu, vận dụng kiến thức).
Học Sử cần học những cái gì và học để làm gì? Nếu giải quyết 2 mặt vấn đề đó sẽ gúp học sinh không ngại thi Sử. Thực tiễn kỳ thi tốt nghiệp năm học 2013-2014 vừa qua là nhiều trường có rất ít học sinh đăng ký thi môn Sử, có nhiều phòng thi chỉ có ít em thi Sử, thậm chí cả một thành phố lớn chỉ có 1 em thi Sử không phải là 1 bài học mà các nhà quản lý giáo dục trăn trở sao?
Đổi mới toàn diện và đồng bộ nền giáo dục có nhiều khâu trong cả 1 quy trình, từ quan điểm, chương trình và nội dung sách giáo khoa, cách dạy cách học và khâu cuối cùng nhưng lại có vai trò quyết dịnh là đổi mới kiểm tra, đánh giá qua thi cử, đổi mới cách ra đề thi, bởi suy cho cùng với cái kiểu học “ứng thi” mang tính đối phó như hiện nay là học để thi, thi kiểu gì, học kiểu đó.
Chủ quyền biển đảo luôn là cảm hứng trong các dạng đề môn khoa học xã hội những năm gần đây, phải chăng cách ra đề như vậy muốn thế hệ trẻ hiểu được trách nhiệm của mình?
Thầy Trần Trung Hiếu: Trong hơn 1 tháng qua kể từ khi chính quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong phần đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam, dư luận xã hội đã và đang dậy sóng trước các hành động ngang ngược và cực kỳ nguy hiểm.
Cả dân tộc Việt Nam cực lực phản đối hành động sai trái, ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế và thiện chí của Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của chúng ta mà ngược lại, họ còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sức mạnh và gia tăng các hành động vũ lực đe dọa, uy hiếp, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn.
Cả dân tộc đang sục sôi hướng về biển đảo. Thế hệ trẻ nói chung, học sinh nói riêng đã và đang có nhiều cử chỉ, hành động hết sức xúc động bằng nhiều cách yêu nước khác nhau.
Việc đề thi các môn Văn, Sử, Địa có các câu hỏi liên quan đến vấn đề biển Đông và chủ quyền lãnh thổ là cơ hội không thể tốt hơn giúp học được thể hiện tình cảm, bày tỏ thái độ và trách nhiệm của mình.
Tôi thiết nghĩ, các giám khảo trong quá trình chấm thi sắp tới sẽ bắt gặp được nhiều bài thi của thí sinh với quan điểm, chính kiến có thể không giống nhau, nhưng các em sẽ nêu được những hiểu biết của mình về biển đảo, sẽ lên án một cách mạnh mẽ các hành động sai trái của chính quyền Trung Quốc, sẽ bày tỏ ước mơ, nguyện vọng chính đáng của mình trước vận nước lâm nguy.
Một kỳ thi vẫn tốn kém, lãng phí
Liên quan tới cách thức tổ chức thi tốt nghiệp trong năm nay (có hội đồng hơn 10 người bảo vệ 1 thí sinh thi sử...), nhiều ý kiến nói như vậy là quá lãng phí và tốn kém, không cần thiết. Cũng là giáo viên dạy sử và coi thi tốt nghiệp vừa rồi, thầy thấy ý kiến này thế nào? Bộ GD&ĐT cần có giải pháp gì?
Thầy Trần Trung Hiếu: Theo tôi, kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua có 3 ưu điểm:
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT quyết định giảm từ 6 môn thi xuống 4 môn thi, phần nào đã giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Thứ hai, giảm thời gian thi 2 môn Toán và Văn từ 150 phút xuống còn 120 phút là phù hợp với yêu cầu và trình độ của học sinh phổ thông.
Thứ ba, cách ra đề thi nói chung là cơ bản, bám vào chương trình và kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa hiện hành. Một số môn thi tự luận Văn, Sử, Địa đã cải tiến cách ra đề thi, có thêm những câu hỏi mở, cập nhật đến những vấn đề đang nổi cộm của đất nước và khu vực liên quan đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, với phương diện là 1 giáo viên, 1 cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp coi thi (giám thị), tôi thấy có nhiều điều bất ổn xoay quanh cách thức tổ chức thi vừa qua ở trên mấy điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, từ quyết định các môn thi bắt buộc hay tự chọn ban đầu của Bộ đã dẫn đến sự thay đổi thời gian sắp xếp môn thi .
Thi 4 môn, nhưng hầu hết tất cả các hội đồng thi trên cả nước đều phải tổ chức thành 8 môn thi với 8 ca thi, như vậy giảm áp lực này lại tăng số lượng môn thi và cường độ thời gian coi thi trong mỗi ngày thi.
Thứ hai, từ việc thí sinh thi phải thi 2 môn thi bắt buộc và tự chọn 6 môn thi tùy theo năng lực và khối thi vào đại học dẫn đến kinh phí phục vụ thi năm nay sẽ tăng do kinh phí in ấn, photo các ấn phẩm, danh sách thi và ghi điểm cho 8 môn thi ở hầu hết tấc cả các Hội đồng coi thi trên toàn quốc.
Thứ ba, sự lãng phí quá lớn về thời gian và cả tiền bạc. Ở một vài môn thi như Ngoại ngữ, Sử, Địa, đặc biệt là môn Sử có tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi quá ít, chỉ rất ít thí sinh nhưng vẫn phải tổ chức 1 phòng thi với đầy đủ thành viên của Lãnh đạo thi, cán bộ coi thi trong và ngoài phòng thi, phục vụ thi, bảo vệ thi đông tới hàng chục người.
Rất nhiều giáo viên làm nhiệm vụ coi thi dù chỉ phải coi thi vào ca 2 trong 1 buổi thi nhưng thông thường phải cùng với đoàn coi thi đến địa điểm thi từ ca 1 và chờ đợi giữa cái nắng nóng mùa hè đến lượt coi thi của mình ở ca 2.
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT dù đã rất cố gắng điều chỉnh phương án, cách thức tổ chức thi tốt nghiệp năm học 2013-2014 liên quan đến quyết định môn thi bắt buộc và tự chọn, nhưng chính trong quá trình triển khai và thực hiện các phương án đó đã cho thấy nhiều điểm bất cập, lãng phí mà Bộ chưa lường hết nhiều bất ổn hay biết mà vẫn quyết định làm?
Bộ GD&ĐT cần kịp thời đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan những hạn chế trong khâu tổ chức thi để có những sự thay đổi cho kỳ thi năm sau hoặc nếu thấy sự đổi mới càng lúng túng và bế tắc, lủng củng thì theo chúng tôi nên bỏ kỳ thì này bởi sự “lợi bất, cập hại” !
Trân trọng cảm ơn thầy.
Nhiều Hội đồng thi làm việc còn máy móc
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết đúng là năm nay lần đầu tiên tổ chức thi tự chọn các môn. Thực tế thi 4 môn nhưng các Hội đồng thi phải làm việc như 8 môn, các đơn vị đã phản hồi.
Ông Trinh cũng cho rằng, Ban chỉ đạo thi trung ương đã thống nhất có hai cách giải quyết. Theo đó, nếu phòng thì có ít học sinh thì có thể gửi các em sang hội đồng bên cạnh. Nếu các em không đồng ý thì vẫn tổ chức để đảm bảo quy chế và không gây khó khăn cho học sinh.
“Nhiều địa phương còn áp dụng vấn đề này một cách máy móc, chưa linh hoạt và Bộ đã có góp ý và điều chỉnh kịp thời trong mùa thi” ông Trinh nói.
Trao đổi thêm, ông Trinh cũng cho biết, việc các hội đồng thi giữ giám thị ca hai không làm nhiệm vụ mà vẫn phải ở lại thì đó là việc làm máy móc, hoàn toàn có cách làm khoa học, linh hoạt hơn mà vẫn đảm bảo quy chế.
“Hiện tượng này là có và chỉ xảy ra ở rất ít các sở, phần lớn giải quyết trơn tru về vấn đề này" ông Trinh cho biết thêm.