Thiếu trung thực nhưng Trung Quốc vẫn nói xấu Nhật Bản

06/06/2014 07:35
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản đã ra "chiến thư" với Trung Quốc, "liên kết Hoa Đông với Biển Đông", muốn đi đầu xây dựng "NATO châu Á", sử dụng TPP, ODA và SDF với khu vực...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 4 tháng 6 có bài viết tuyên truyền xuyên tạc về chính sách của Nhật Bản đối với khu vực và Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, cho nhiều tàu chiến, máy bay quân sự, tàu hải cảnh… thực hiện các hoạt động mang tính xâm lược đối với vùng biển của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Bài viết bôi xấu Nhật Bản, cho rằng, gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu ở lễ khai mạc hội nghị Đối thoại Shangri-La tổ chức tại Singapore, “có ý đồ đánh con bài 'pháp trị' và 'chủ nghĩa hòa bình tích cực', can thiệp toàn diện vấn đề Biển Đông, đồng thời lấy danh nghĩa chi viện các nước Đông Nam Á, tìm cách xây dựng vòng bao vây đối với Trung Quốc”.

Bài báo chê Nhật Bản “lạc hậu” không bằng Trung Quốc, cho rằng, "chủ nghĩa Abe" phiên bản nâng cấp "mang đầy tư duy Chiến tranh Lạnh", "hoàn toàn xa lạ với trào lưu thế giới", thế nào cũng đụng phải "đầu rơi máu chảy".

Có lẽ báo Trung Quốc tự nghĩ rằng, Trung Quốc dùng thực lực ép các nước khác nhường lại lãnh thổ, lãnh hải là phẩm chất của một con "sư tử hòa bình, dễ gần và văn minh"? Rằng Trung Quốc không có "gen xâm lược" khi dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, chiếm thêm một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa như đá Gạc Ma năm 1988… và xâm lược khu vực phía bắc Việt Nam năm 1979?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014

Báo Trung Quốc cho rằng, trong thập niên 1970, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Takeo Fukuda đã đến Đông Nam Á đưa ra "chủ nghĩa Fukuda", lấy biện pháp kinh tế để mở đường cho Nhật Bản quay trở lại Đông Nam Á. 

"Chủ nghĩa Fukuda" sở dĩ có thể được các nước Đông Nam Á (từng bị quân Nhật chà đạp - bài báo tuyên truyền) tiếp nhận, quan trọng ở chỗ ông Fukuda làm rõ cam kết "Nhật Bản không làm nước lớn về quân sự".

Bài báo tiến hành so sánh, bình phẩm cho rằng, tinh thần của "chủ nghĩa Fukuda" là "khiêm tốn", "hợp tác", "cùng thịnh vượng", trong khi tinh thần của "chủ nghĩa Abe" hiện nay là "tự đại", "đối đầu", "trò chơi tổng bằng không".

Nhưng, báo Trung Quốc nói người mà không nghĩ đến mình, bỏ ngoài tai dư luận quốc tế thì phải. Gần đây, có một số chuyên gia học giả viết bài cho rằng, hiện nay Trung Quốc thực lực đã mạnh lên, tận dụng cơ hội Mỹ đang vướng vào nhiều khó khăn ở trong và ngoài nước, Nga đang cần tới Trung Quốc, nên Trung Quốc tận dụng để tìm cách tạo ra những "cuộc chiến nhỏ" như vụ bãi cạn Scarborough, vụ giàn khoan 981... Những “cuộc chiến nhỏ” này được cho là Mỹ "không đáng" phải tham gia, dựa trên cán cân sức mạnh thì hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc trước một số nước ven Biển Đông.

Như vậy, rõ ràng, Trung Quốc đang dùng thực lực để chơi trò "tổng bằng không", dùng vũ lực để đơn phương làm thay đổi hiện trạng, thậm chí xâm lược vùng biển của nước khác. Trung Quốc không phải đang hung hăng, hiếu chiến, gây đối đầu, dùng toàn hành động bạo lực, gây tội ác và chơi trò "tổng bằng không" đó hay sao?

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm 2015
Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam vào đầu năm 2015

Theo bài báo, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản sẽ thông qua các biện pháp như viện trợ phát triển chính phủ (ODA), hợp tác vũ khí trang bị, đào tạo của Lực lượng Phòng vệ để trợ giúp tối đa cho các nước Đông Nam Á nâng cao khả năng bảo vệ biển. Điều này có nghĩa là Nhật Bản sẽ lấy phương thức hợp tác quân sự và bán quân sự để can thiệp và can dự vào vấn đề Biển Đông.

Theo bài báo, từ sau khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền, màu sắc "đối đầu" trong ngoại giao với Trung Quốc nổi bật, đối với vấn đề này, Nhật Bản huy động tất cả các nguồn lực ngoại giao, tìm cách xây dựng một mạng lưới bao vây "lập thể/ba chiều" nhằm vào Trung Quốc, tư tưởng chủ yếu là tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ, làm dịu quan hệ Nhật-Hàn, Nhật-Nga, lôi kéo các nước Đông Nam Á và Nam Á, thâm nhập các khu vực như châu Phi, Đông Âu.

Bài báo cho rằng, từ khi lên cầm quyền được một năm rưỡi đến nay, ngoại giao của ông Shinzo Abe có một tính toán “sai lầm lớn nhất” là không cải thiện được mà còn làm xấu đi quan hệ Nhật-Hàn. Trong khi đó, quan hệ Nhật-Nga cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine, không thể tiếp tục thực hiện đột phá rõ ràng theo chương trình như ông Shinzo Abe đặt ra.

Theo bài báo, do gặp trở ngại trên “hướng bắc”, ông Shinzo Abe đành phải “nam tiến”, tiếp tục gia tăng mức độ đầu tư nguồn lực ngoại giao đối với Đông Nam Á. Trong 1 năm lên cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thăm cả 10 nước ASEAN. 

Tháng 12 năm 2013, Nhật Bản tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản-ASEAN. Lần này, tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Shinzo Abe mạnh mẽ tuyên bố "xây dựng mạng lưới bao vây đối với Trung Quốc", "rõ ràng đã ra 'chiến thư' với Trung Quốc".

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Bài báo cho rằng, đối với Nhật Bản, sự tăng trưởng kinh tế và tiềm năng thị trường của 10 nước ASEAN có sức hấp dẫn ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với ASEAN có lợi cho giảm sự lệ thuộc của kinh tế Nhật Bản đối với Trung Quốc.

Mặt khác, tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN như Philippines và Việt Nam (thực ra là Trung Quốc nhảy vào tranh chấp) làm cho Nhật Bản cảm thấy "có được cơ hội tận dụng", vì vậy đã đưa ra sách lược dư luận quốc tế "liên kết vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông", chỉ rõ Trung Quốc đang thực hiện “chủ nghĩa bá quyền” trên biển.

Đồng thời, bài báo tuyên truyền ly gián quan hệ Nhật Bản-ASEAN, cho rằng, Nhật Bản tận dụng cơ hội “ly gián” quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN, "kích động sự bất hòa giữa các nước chống Trung Quốc và thân Trung Quốc trong nội bộ ASEAN", từ đó tạo cơ hội để Nhật Bản "đục nước béo cò". 

Trên thực tế, một điều rất rõ là, chính Trung Quốc là nước đã và đang sử dụng nhiều mưu đồ và thủ đoạn ly gián, chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Theo báo Trung Quốc, cách đây không lâu, tổng thư ký đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) Shigeru Ishiba đã đề cập đến vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, tuyên bố Nhật Bản cần đi đầu thành lập "NATO" phiên bản châu Á để đối đầu với Trung Quốc. 

Theo bài báo, điều đó đã lộ ra "tiếng lòng chân thực" của phe diều hâu trong chính quyền Shinzo Abe. Việc thực hiện cụ thể ngoại giao Đông Nam Á của "chủ nghĩa Shinzo Abe" dựa vào 3 "đạo cụ" lớn: Một là TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), hai là ODA (viện trợ phát triển chính phủ), ba là SDF (Lực lượng Phòng vệ).

Biên đội tàu ngầm-tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm-tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Theo bài báo, trong 10 nước ASEAN, các nước Malaysia, Việt Nam, Brunei, Singapore đã tham gia đàm phán TPP, Philippines và Thái Lan cũng đang bày tỏ quan tâm đối với TPP ở các trường hợp khác nhau. 

Đối với Nhật Bản, TPP không chỉ có lợi cho phối hợp với Mỹ tạo lập quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao mới, mà càng có lợi cho tranh đoạt quyền chủ đạo trong xây dựng Khu mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.

ODA là một "pháp bảo" nhất quán của ngoại giao Nhật Bản đối với Đông Nam Á, cũng là trụ cột của "chủ nghĩa Fukuda" trước đây. Từ lâu, ODA của Nhật Bản lấy viện trợ phát triển kinh tế làm chính, nhưng chính quyền Shinzo Abe có kế hoạch trước cuối năm nay sẽ đưa ra Đại cương ODA mới, sẽ đưa viện trợ quân sự hoặc bán quân sự vào trong khuôn khổ ODA.

Trong bài phát biểu tại Shangri-La, Thủ tướng Shinzo Abe đã liệt kê ra phương hướng viện trợ cho các nước Đông Nam Á, như cung cấp hoặc chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra cho Philippines, Indonesia và Việt Nam, đào tạo cán bộ cơ quan chấp pháp trên biển cho các nước ASEAN. 

Ông Shinzo Abe còn cho biết, sau khi Nhật Bản hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, đang bàn thảo xuất khẩu các trang bị phòng vệ về tuần tra, giám sát, cứu trợ, vận tải, quét mìn cho các nước Đông Nam Á.

Về động thái quân sự, chính quyền Shinzo Abe có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vươn tới "mọi nơi trên Trái đất". Căn cứ vào quan điểm của cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Shinzo Abe, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, khu vực Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có khả năng xuất hiện nhất: một là bán đảo Triều Tiên, hai là Biển Đông. Bài báo cho đây là "dụng ý thực sự" của ông Shinzo Abe khi phát biểu về “tự do hàng hải” tại Đối thoại Shangri-La.

Việt-Nhật nâng tầm quan hệ
Việt-Nhật nâng tầm quan hệ

Theo bài báo, các nhà tư vấn chính sách của ông Shinzo Abe đã đưa ra "6 điều kiện thực hiện quyền tự vệ tập thể" mới, điều kiện thứ nhất là "nước có quan hệ chặt chẽ" với Nhật Bản bị tấn công. Báo Trung Quốc nhấn mạnh, "nước có quan hệ chặt chẽ" là một định nghĩa mập mờ, phạm vi rõ ràng không chỉ giới hạn ở "nước đồng minh" truyền thống. Tức là, nếu Nhật Bản xác định Philippines, Việt Nam là "nước có quan hệ chặt chẽ", một khi trong tương lai Trung Quốc cùng với Philippines, Việt Nam “xảy ra xung đột ở Biển Đông”, Nhật Bản phải chăng sẽ sử dụng danh nghĩa quyền tự vệ tập thể để can thiệp vũ lực? Chắc bài báo muốn khẳng định sẽ có loại xung đột này!

Theo bài báo, nhìn vào các biểu hiện cụ thể, Nhật Bản hiện nay đang tận dụng các loại cơ hội để mở rộng cảm giác hiện diện ở Đông Nam Á. Năm 2013, sau khi Philippines bị cơn bão Haiyan tấn công, Nhật Bản đã nhanh chóng tiến hành cứu trợ, cử Lực lượng Phòng vệ với trên ngàn người đến khu vực thiên tai của Philippines để cứu trợ. 

Mặc dù quy mô lớn, nhưng theo báo Trung Quốc thì Nhật Bản có "động cơ rõ ràng", nhưng "có vẻ như" phù hợp với tiền đề "nước ngoài xảy ra thảm họa quy mô lớn".

Bài báo bình luận, trong sự kiện máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia mất tích, sau Chiến tranh, Nhật Bản lần đầu tiên cử Lực lượng Phòng vệ ra nước ngoài tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn sự cố máy bay, nhưng báo Trung Quốc cho rằng, sự kiện máy bay chở khách của hãng hàng không Malaysia mất tích rõ ràng cách quá xa "thảm họa quy mô lớn" trong “nhận thức thông thường của quốc tế”.

Khi đó, có phương tiện truyền thông Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản điều máy bay quân sự của Lực lượng Phòng vệ tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay Malaysia là nhằm “kiềm chế” hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Với luận điệu này, rõ ràng báo Trung Quốc đã gắn hoạt động cứu trợ nhân đạo của Nhật Bản với ý đồ chính trị hòng tuyên truyền gây chia rẽ để trục lợi.

Sau cơn bão Haiyan, Nhật Bản đã điều tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga đến Philippines hỗ trợ
Sau cơn bão Haiyan, Nhật Bản đã điều tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga đến Philippines hỗ trợ

Báo Trung Quốc tiếp tục luận điệu cũ cho rằng, một trọng điểm “kinh doanh” khác của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự Đông Nam Á là đào tạo và xây dựng những nhân vật quân đội thân Nhật. Ở các nước Đông Nam Á, “quân đội luôn có vai trò chính trị và xã hội rất lớn”. 

Xuất phát từ sự cân nhắc chiến lược bảo đảm an ninh và ngoại giao mang tính mở rộng trong tương lai, Nhật Bản sẽ coi giới quân sự của các nước Đông Nam Á là trọng điểm đào tạo con người thuộc “phe thân Nhật”.

Đại học Quốc phòng Nhật Bản là trường học chủ yếu nhất đào tạo cán bộ Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản, trong nhiều năm qua đã rất coi trọng thu nhận lưu học sinh các nước, trong khi đó, lưu học sinh đến từ các nước Đông Nam Á càng là quan trọng hàng đầu.

Tại lễ tốt nghiệp đầu năm 2014, Giám đốc Đại học Quốc phòng Nhật Bản Ryosei Kokuburn cho biết, trong thời gian thăm chính thức Thái Lan và Việt Nam vào tháng 2 năm 2014, ông đã hội kiến với không ít cán bộ quân đội hai nước tốt nghiệp từ Đại học Quốc phòng Nhật Bản. Chỉ ở Thái Lan đã có gần 200 lưu học sinh nước này tốt nghiệp ở Đại học Quốc phòng Nhật Bản, hiện đã có một số đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của quân đội Thái Lan.

Báo Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền cho rằng, về thành quả tham dự Đối thoại Shangri-La của ông Shinzo Abe lần này, bản thân các phương tiện truyền thông Nhật Bản có “khen chê khác nhau”. Những tờ báo thân ông Shinzo Abe như Yomiuri Shimbun và Sankei Shimbun khen ngợi ông Shinzo Abe xây dựng mạng lưới bao vây đối với Trung Quốc.

Nhật Bản đang tự nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để đối phó Trung Quốc
Nhật Bản đang tự nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm để đối phó Trung Quốc

Trong khi đó tờ Tokyo Shimbun giữ khoảng cách với ông Shinzo Abe, cho rằng, ông Shinzo Abe muốn kéo ASEAN vào mạng lưới bao vây đối với Trung Quốc, song khi Trung-Nhật đối lập càng gay gắt, thì các nước ASEAN càng muốn “nới rộng khoảng cách” với Nhật Bản.

Như vậy, gần đây, Trung Quốc cho báo chí-truyền thông đặc biệt quan tâm đối với việc Nhật Bản can dự vấn đề Biển Đông đã thể hiện họ đang rất lo ngại. Bởi vì, khi các nước phối hợp với nhau không để cho Trung Quốc làm bừa, làm bậy thì Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện tham vọng bất hợp pháp. Đặc biệt, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, rất có thực lực trên nhiều phương diện, khi đã can dự là tương đối mạnh mẽ và có lực, nên gây lo ngại cho Trung Quốc là điều chắc chắn.

Hãy nhìn tàu tuần tra Nhật Bản đối đầu với tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku, hãy nhìn nỗi lo ngại của Trung Quốc về công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, nhất là tàu ngầm, máy bay săn ngầm, khả năng do thám, khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân... thì mới biết Trung Quốc lo ngại "mối đe dọa quân sự" từ Nhật Bản đến thế nào, nhất là khi Nhật Bản đang có động thái quan trọng là giải thích lại Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, trở thành quốc gia bình thường, xuất khẩu vũ khí cho nước khác, thực hiện “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, phát huy vai trò to lớn hơn trong khu vực.

Trung Quốc mồm nói “trỗi dậy hòa bình”, “phát triển hòa bình”, nhưng lại đã và đang thực hiện các hành động bạo lực, vũ lực cướp biển đảo của nước khác – từ cuộc chiến ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974 đến cuộc chiến ở đá Gạc Ma năm 1988, rồi đến cưỡng đoạt vũ lực bãi cạn Scarborough và nay là cưỡng đoạt thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – thì rõ ràng mưu đồ ăn cướp, thực dân này sặc mùi Đại Hán, đậm chất đầu gấu, dã man, chẳng có chút văn minh nào.

Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, an ninh của các nước ven Biển Đông, đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực
Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, an ninh của các nước ven Biển Đông, đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực

“Gen xâm lược” của con “sư tử Trung Quốc” đang trỗi dậy, chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng; hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, an toàn bay ở Biển Đông và khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Các nước cần liên kết, hợp tác để kiềm chế, bao vây, ngăn chặn tư tưởng và các hành động bành trướng, xâm lược, đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực “kiểu mới” của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Đông Bình