G7 nhóm họp nhắm vào Nga, nội bộ vẫn còn chia rẽ

06/06/2014 06:45
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bất chấp những nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga trong vấn đề Ukraine do Mỹ dẫn đầu, nhóm G7 vẫn bộc lộ sự chia rẽ nội bộ trong vấn đề này

Các cường quốc công nghiệp thế giới hôm 5/6 đã lần đầu tiên trong 17 năm qua tổ chức nhóm họp mà không có Nga, thành viên bị khai trừ hồi tháng trước liên quan tới sự kiện ở Ukraine. 

Trọng tâm của cuộc họp mới nhất của nhóm G7 tại Brussels là lên án các hành động của Moscow trong vấn đề Ukraine và đe dọa tăng cường trừng phạt Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin không giúp khôi phục ổn định tại quốc gia láng giềng.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Brussels.
Các nhà lãnh đạo G7 tại Brussels.

"Chúng tôi thống nhất trong việc tiếp tục lên án hành vi vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga đối với Ukraine. Sự thôn tính bất hợp pháp của Nga đối với Crimea và hành động gây bất ổn ở phía đông Ukrain là không thể chấp nhận được và phải dừng lại", Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada cho biết trong một tuyên bố chung.

Thông điệp được củng cố thêm bằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người nói rằng nền kinh tế Nga sẽ hứng chịu tổn thất nặng nề hơn nữa nếu Tổng thống Putin không thay đổi "hành động khiêu khích" của mình.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cũng lên án động thái phủ quyết các nghị quyết trong vấn đề Syria của Nga và Trung Quốc. G7 cũng cho rằng việc Moscow sử dụng các nguồn cung cấp năng lượng như một phương tiện cưỡng chế chính trị hoặc như một mối đe dọa đối với an ninh là không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga trong vấn đề Ukraine do Mỹ dẫn đầu, nhóm G7 vẫn bộc lộ sự chia rẽ nội bộ trong vấn đề này.

Pháp, dưới áp lực của Mỹ đòi hủy bỏ hợp đồng bán hai tàu chiến cho Nga, đã có cuộc tranh luận gay gắt với Tổng thống Obama khiến nhà lãnh đạo này thừa nhận rằng thỏa thuận này có thể tiếp tục được tiến hành bất chấp sự phản đối của mình.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nước châu Âu chưa sẵn sàng để mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và không có lý do gì để Pháp hủy hợp đồng bán tàu chiến trên của mình. 

Nhật Bản, dù vẫn còn ít quan tâm tới vấn đề Ukraine, đã nhấn mạnh tới biện pháp đối thoại với Nga là phương pháp hòa giải tốt nhất. 

Các nhà lãnh đạo EU cho biết, họ sẽ theo dõi chặt chẽ hành động của Nga trong những tuần tới và đưa ra quyết định tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu về việc liệu có cần thiết áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hay không./

Nguyễn Hường