Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. |
Đa Chiều, tờ báo của người Hoa hải ngoại ngày 5/6 đưa tin, việc đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vốn là người trầm tĩnh lâu nay cũng phải đập bàn phẫn nộ vì nạn "trên bảo dưới không nghe" của các quan chức địa phương không phải chuyện hiếm gặp. Không riêng ông Cường, những người tiền nhiệm của ông cũng đã phải đối mặt với tình trạng tương tự.
Hôm 6/3 nhiều tờ báo Trung Quốc dẫn nguồn tin một cựu quan chức thanh tra chính phủ Trung Quốc cho biết, hôm 30/5 khi chủ trì phiên họp thường trực chính phủ, ông Cường đã phải đập bàn và quát: "Nói khó nghe một tí, thì đây không phải là ăn không ngồi rồi hay sao?" sau khi kịch liệt lên án các quan chức địa phương ôm tư duy cục bộ, nói nhiều làm ít, né tránh trách nhiệm.
Đa Chiều cho biết, người ôn hòa nho nhã như Ôn Gia Bảo mà cũng có lúc phải trừng mắt phẫn nộ. Khi tới hiện trường chỉ đạo cứu hộ vụ động đất tại Tứ Xuyên ngày 12/5/2008, thấy tốc độ cứu hộ chậm chạp, hàng trăm ngàn dân huyện Bành Châu ở Tứ Xuyên bị cô lập vì sập cầu, ông Bảo đã phải dằn giọng: "Tôi chỉ nói một câu thôi. Nhân dân nuôi các anh. Các anh tự xem đó mà làm!"
Trong số các đời Thủ tướng Trung Quốc thì Chu Dung Cơ được cho là người phải "đập bàn" nhiều nhất. Ngày 9/8/1989 khi đê sông Cửu Giang ở Giang Tây bị vỡ, Chu Dung Cơ cấp tốc tới hiện trường. Ông quát các quan chức địa phương:
"Chẳng phải các anh nói đê vững như bàn thạch hay sao? Tại sao bây giờ nó nát như đậu phụ thế này? Mạng dân như trời, kế sách trăm năm, thiên thu đại nghiệp mà lại có thể làm ra công trình tồi tệ thế này à? Thối nát đến mức này à?"
Sau này, những lời chỉ trích của Chu Dung Cơ với cánh quan chức địa phương được dư luận ví von là "quốc chửi" kinh điển?!