Luật dạy nghề xuất phát từ 3 điểm trụ cột:
Một là, Luật dạy nghề phải khắc phục được những vấn đề, bất cập, thiếu ổn định của hệ thống giáo dục nghề nghiệp về phương diện pháp lý để huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển đào tạo nghề;
Hai là, phải phù hợp và thể chế hóa đường lối phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực của Đảng, chiến lược phát triển giáo dục và dạy nghề của Chính phủ. Đặc biệt phải phù hợp với Hiến pháp 2013;
Ba là, phải phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và việc làm.
Tuy nhiên, Công tác dạy nghề nói chung và Luật dạy nghề nói riêng còn bộc lộ khá nhiều hạn chế, khuyết tật vốn tồn tại từ nhiều năm nay đối với hệ thống này. Lần sửa đổi này cần nhìn nhận những hạn chế yếu kém sau đây:
Thứ nhất, hiệu quả công tác dạy nghề còn hạn chế. Hiệu quả công tác dạy nghề thể hiện ở việc đầu tư của nhà nước rất lớn nhưng người học nghề ít. Việc đầu tư vẫn còn mang tính giàn trải, phong trào chưa tạo ra được những mô hình hay những điển hình tốt cũng như những đột phá về chất lượng dạy nghề. Không ít cơ sở dạy nghề khang trang hiện đại nhưng trang thiết bị, đội ngũ giáo viên không đồng bộ nên rất lãng phí. Có thể nói đầu tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực dạy nghề lãng phí mọi nơi, trang thiết bị mua về đắp chiếu hoặc để bụi bặm, mạng nhện bao phủ do không khai thác sử dụng.
Tư duy bao cấp vẫn còn khá phổ biến, đào tạo nghề chưa theo sát với nhu cầu nhân lực và bối cảnh dân số, việc làm trong xã hội. |
Việc quy hoạch cơ sở dạy nghề chưa có sự phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo ở cấp quốc gia và cấp địa phương do vậy quy hoạch cơ sở dạy nghề, ngành nghề đào tạo bị chồng chéo gây lãng phí. Lãng phí về cơ sở vật chất do chồng chéo quy hoạch, do thiếu nguồn tuyển sinh...và đặc biệt là đất đai để xây dựng trường học cho dạy nghề, cho trung cấp chuyên nghiệp, cho các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề... và bộ máy biên chế cứ thế phình to ra mãi. Thiếu chú ý đến thực trạng trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân lực Việt Nam (khoảng trên 32 triệu người chưa được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp - 84,7 % không có chuyên môn kỹ thuật) để có kế hoạch và chiến lược đào tạo nghề hợp lý.
Việc thiết kế chương trình dạy nghề theo mô đun và môn học đã thiếu sự tích hợp cần thiết giữa việc thiết lập tiêu chuẩn nghề với tiêu chuẩn đào tạo (chuẩn đầu ra, nội dung, đánh giá, giáo viên, giáo trình, phương pháp, tổ chức quản lý, cơ sở vật chất), trong việc phát triển chương trình dạy nghề. Mặt khác, theo nguyên lý phối hợp và xếp chồng mô đun từ sơ cấp nghề lên đến trung cấp nghề và cao đẳng nghề thì việc thực hiện nguyên tắc này đã bị vi phạm bởi các văn bản dưới luật khác. Một chương trình khung trung cấp nghề chi phí khoảng trên 480 triệu đồng, trong khi đó chương trình khung cao đẳng nghề (của cùng nghề) trên 500 triệu đồng đã gây ra lãng phí rất lớn do không theo nguyên lý xếp chồng của mô đun năng lực nghề.
Chương trình khung ban hành nhưng thiếu đánh giá ở cấp độ quốc gia, chương trình dạy nghề ở trường cũng không có đánh giá do thiếu quy định. Đặc biệt, theo nguyên tắc liên thông giúp cho người lao động học suốt đời và nhiều cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, chương trình dạy nghề cần có sự hài hòa với chương trình cao đẳng, đại học do Bộ GDĐT quản lý nhà nước. Nhưng chưa bao giờ có sự thống nhất, hợp tác trong cách làm chương trình dẫn đến sự khác biệt rất xa giữa chương trình cao đẳng nghề và cao đẳng trong nhiều ngành.
Việc điều phối nguồn lực quốc gia cho công tác dạy nghề chưa thật tốt giữa các Bộ ngành, địa phương. Còn nhiều dự án, chương trình cho dạy nghề có các nội dung trùng lắp trong việc biên soạn tài liệu, tập huấn, đầu tư...
Thứ hai, dạy nghề thiếu hội nhập và phá vỡ tính hệ thống. Việc Luật dạy nghề quy định 3 trình độ trong dạy nghề đã làm cho hệ thống các trình độ trở nên hết sức rắc rối và thiếu tính hội nhập. Ngày nay, rất nhiều người ở trong nước không phân biệt nổi giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, giữa cao đẳng nghề và cao đẳng (không nghề). Điều này đã gây khó khăn cho công tác quy hoạch phát triển nhân lực cũng như hội nhập về đào tạo và việc làm với thế giới. Tính hệ thống bị phá vỡ do sự lộn xộn của các trình độ dạy nghề. Một bên là cao đẳng nghề do Bộ LĐ quản lý, một bên là "Cao đẳng không nghề" do Bộ GD quản lý... đến ta cũng không thể hiểu nổi chưa nói gì các doanh nghiệp nước ngoài.
Những vấn đề của lịch sử về bậc thợ trước đây (công nhân 7 bậc) vẫn chưa giải quyết thấu đáo để công nhận tương đương với trình độ sơ cấp, trung cấp hay cao đẳng nghề. Con số lao động hiện vẫn còn hàng triệu người mang các bậc thợ khác nhau nhưng không thể quy đổi sang trình độ đào tạo nghề được.
Tên gọi của luật là Luật dạy nghề không đảm bảo phản ánh đúng bản chất của công tác đào tạo nghề nghiệp. Không có quốc gia nào trên thế giới gọi là "Luật dạy nghề" mà thường gọi là đào tạo nghề nghiệp hoặc giáo dục nghề nghiệp (gồm cả dạy và học). Trung Quốc cũng có Luật giáo dục nghề nghiệp (Vocational education law - 1996) hoặc Cộng hòa liên bang Đức hay Hàn Quốc có Luật đào tạo nghề (Vocational Training Law).
Thứ ba, chất lượng dạy nghề thấp. Mỗi năm, nhà nước đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, nhưng chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực và kinh nghiệm nghề nghiệp. Giáo trình dạy nghề cũng khá nghèo nàn do thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm và tâm huyết biên soạn.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh. Chương trình dạy nghề được thiết kế khá tốt (chỉ đối với dạy nghề) nhưng thiếu điều kiện thực hiện và không đồng bộ. Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề phát triển khá chậm, nhưng lại chỉ bó gọn vào kỹ năng nghề do Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước mà không phải là đánh giá và công nhận kỹ năng nghề nghiệp cho những người lao động có trình độ đào tạo khác cao hơn các trình độ nghề hiện tại.
Thứ tư, xã hội hóa còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác đào tạo nghề có thể xem là một định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, tư duy bao cấp vẫn còn khá phổ biến, đào tạo nghề chưa theo sát với nhu cầu nhân lực và bối cảnh dân số, việc làm trong xã hội. Đối với một số nghề, học sinh ra trường có việc làm ngay (lĩnh vực kỹ thuật công nghệ) nhưng rất nhiều nghề rất khó kiếm việc làm do năng lực thực hành, thái độ lao động của học sinh yếu. Việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong doanh nghiệp thiếu cơ chế khuyến khích hiệu quả. Tư nhân hóa công tác dạy nghề diễn ra còn chậm, doanh nghiệp dường như đứng ngoài cuộc trong công tác đào tạo nghề.
Hệ thống dạy nghề không có vai trò nhiều trong giáo dục hướng nghiệp góp phần phân luồng học sinh sau THCS. Ảnh minh họa. |
Thứ năm, hệ thống dạy nghề không có vai trò nhiều trong giáo dục hướng nghiệp góp phần phân luồng học sinh sau THCS. Có thể xem hiện tượng học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở và không tiếp tục vào học trong các trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp THCS là một vấn đề lớn hiện nay đối với hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân. Mỗi năm có chừng khoảng trên 200.000 em bỏ học ở cấp học trung học cơ sở lại không được học nghề sẽ tạo ra sự lãng phí về con người cũng như nguy cơ nảy sinh ra những vấn đề xã hội.
Thế nhưng, các trường dạy nghề cũng như sở LĐTBXH ở cấp địa phương không có vai trò gì đối với các học sinh trong trường phổ thông do quy định về quản lý nhà nước giữa sở GDĐT và sở LĐTBXH. Cơ sở vật chất của trường nghề cũng như đội ngũ giáo viên dạy nghề không được huy động để làm công tác giáo dục hướng nghiệp. Chỉ nhìn vào số liệu học sinh, sinh viên vay để học nghề ta biết ngay sức hấp dẫn của cơ sở dạy nghề đối với thanh niên hiện nay.
Việc dạy chữ và dạy nghề đang tách rời trên địa bàn cấp quận huyện vừa gây khó khăn cho người dân tiếp cận đến giáo dục và vừa lãng phí nguồn lực dàn trải ở cấp quận huyện.
Thiết nghĩ, lần này Quốc hội cho ý kiến về Luật dạy nghề sửa đổi với tinh thần Hiến pháp mới nên đổi thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (gồm cả trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng), tạo điều kiện quy hoạch mạng lưới, quản lý tránh chồng chéo, hạn chế lãng phí tài nguyên quốc gia và góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và giảm thất nghiệp.