Chị chuyển qua bán Giáo dục giúp em nhé

Có nên cho trẻ tăng động học chung với trẻ thường?

09/10/2011 14:10
P.Thúy
(GDVN) -Có nên cho trẻ bị Tăng động giảm chú ý (TĐGCY) nói chung, trẻ rối nhiễu tâm lý nói riêng học chung với trẻ bình thường khác?

Câu chuyện này đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyện gia tâm lý.

Phụ huynh cần tỉnh táo chọn trường phù hợp

Trong khi các bậc phụ huynh phản đối kịch liệt thì những người cha, mẹ có con bị bệnh cố tìm mọi cách để cho con vào học bình thường. Nhiều trường học kiên quyết không nhận trẻ này vì sợ ảnh hưởng đến các em học sinh khác.

Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS - TS Đặng Thành Hưng - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về những điều còn gây tranh cãi như trên.

PGS Hưng cho rằng, có một môi trường đó với những điều kiện thích hợp (bạn tốt, giáo viên giỏi và tận tâm, cảnh quan an toàn, gia đình trẻ chia sẻ thông tin kịp thời, chính xác và hợp tác nhiệt tình…) thì học hòa nhập là có lợi cho các cháu.

Đơn giản là do các cháu bị bệnh TĐGCY, tự kỉ, trầm cảm... có nhiều cơ hội hoạt động và giao lưu hơn, tức là hợp tác nhiều hơn, và đương nhiên trải nghiệm nhiều hơn, kinh nghiệm thu được đa dạng và có tính xã hội cao hơn. Khi đó nhà trường nên đón nhận các cháu và phải chọn lớp, chọn thầy cô đủ sức và đức độ gánh vác. Các bậc cha mẹ của học sinh bình thường nên ủng hộ nhà trường, thầy cô và các cháu khuyết tật, coi như bù đắp cho những thiệt thòi của các cháu.

Nếu các bậc phụ huynh khác phản đối việc học chung cho các cháu là hẹp hòi và sai lầm. Trong trường hợp con của họ bị như vậy thì họ có phản đối không?

Cần tạo ra một môi trường để cho trẻ bị khiếm khuyết có thể hòa đồng nhanh nhất

Đối với trẻ có rối nhiễu nặng, trường và thầy cô không có khả năng chăm sóc an toàn và tạo ra điều kiện học tập tốt cho cháu thì không nên đưa cháu vào trường và trường cũng không nên nhận.

Khi đó nhận cháu tức là thiếu trách nhiệm và hậu quả sẽ là đổ trách nhiệm cho nhau giữa bản thân cháu, gia đình, thầy cô và nhà trường. Nếu cha mẹ trẻ khuyết tật cố ép trường nhận và dư luận gây sức ép với trường thì thái độ hành xử vậy là sai.

Đơn giản là sai vì khi bị ép buộc phải nhận cháu thì chả có thầy cô và trường nào tận tâm chăm sóc cháu cả. Thậm chí họ sẽ tìm mọi cách để tự gia đình phải đến xin mang con mình về

Trẻ rối nhiễu tâm lí như tự kỉ, tăng động, trầm cảm bệnh lí (không phải trầm cảm sinh lí tạm thời) và các thể loại tâm thần rõ rệt, thì phải xét nghiệm, đánh giá, theo dõi, thử nghiệm mô hình giáo dục. Sau đó xác định từng trường hợp. Nếu có thể thì có cháu vào học hòa nhập với chương trình giáo dục cá nhân hóa, có cháu phải được chăm sóc chuyên biệt ở trường đặc biệt dành riêng cho loại hình trẻ này.

"Tôi đã chứng kiến các bé tiểu học rất ghê sợ khi chứng kiến các bạn bị hội chứng Down, bị khuyết tật do chất độc màu da cam. Quanh năm mà phải ngồi học với mấy bạn này thì làm sao mà học được?

Trên thực tế không có mấy trẻ nào tự nguyện giao lưu với bạn có tật , trừ trường hợp người thân, họ hàng. Trẻ có tật cũng không muốn giao lưu với các bạn bình thường. Vậy thì để các cháu học chung làm gì? Các cháu có dạng tật này, nhất là rối nhiễu tâm lí, rõ ràng có khó khăn cực lớn về học tập. Riêng điều đó đã khiến các cháu bị cô lập trong lớp và càng ngày càng cô đơn vì khả năng cải thiện thành tích học tập gần như là số không" - ông Hưng tâm sự.

Tôi cho rằng, lớp hòa nhập chỉ có khả năng can thiệp rất có hạn, với một nhóm trẻ rối nhiễu tâm lí hay khuyết tật nhẹ. Ngoài ra, số đông các cháu phải có trường chuyên biệt và cơ sở can thiệp, trị liệu y khoa hỗ trợ.

Thiếu giáo viên giáo dục đặc biệt

Giáo viên của ngành giáo dục đặc biệt hiện nay thiếu trầm trọng nhưng một số vẫn không muốn nhận việc. Trách nhiệm của họ quá nặng so với lơị ích của họ. Về tay nghề, phải thừa nhận là yếu, nhất là kĩ năng nghề. Cách đào tạo chưa khác gì mấy cách đào tạo giáo viên bình thường.

Những giảng viên trực tiếp đào tạo giáo viên ở các khoa giáo dục đặc biệt hệ cao đẳng và đại học phần lớn cũng không có nghề, mà là học bổ túc, dự các khóa học, tu nghiệp vội vàng ở nước ngoài, chưa chuyên nghiệp. Vì vậy, kết quả đào tạo chưa thể gọi là tốt. Mặt khác các cơ sở đào tạo hầu như rất ít nghiên cứu, mà bắt chước các giáo trình, dự án mà mình từng tham gia.

Tôi cho rằng giáo viên ngành giáo dục đặc biệt cần được đào tạo đặc biệt, tương tự như loại hình năng khiếu, giống như đào tạo mĩ thuật, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trình diễn hoặc các nghề công nghệ cao.

Tay nghề của họ phải kiêm rất nhiều dạng kĩ năng, chỉ riêng năng kĩ năng chuyên biệt như nghiên cứu trẻ, phát triển chương trình và học liệu giáo dục cá nhân hóa (với trẻ khuyết tật không thể có chương trình nào dùng chung cho mọi trẻ mà buộc phải mỗi cháu một chương trình, giống như cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp phải có giáo án luyện tập riêng). Chính vì thế phải xem xét lại thời hạn đào tạo, mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo sao cho tập trung nhiều hơn vào kĩ năng và đạo đức nghề nghiệp.

"Theo tôi cần phải tôn trọng mọi hình thức và phương thức giáo dục trẻ khuyết tật. Hiện nay có xu hướng tuyệt đối hóa giáo dục hòa nhập là chưa thỏa đáng. Chưa có bằng chứng nào cho thấy giáo dục hòa nhập đã làm được những gì thay đổi được hoàn cảnh của các cháu khuyết tật và gia cảnh của họ.

Hãy hỏi chính các cháu và gia đình các cháu chứ không nên chỉ nghe báo cáo thành tích của các dự án và các trường thực hiện dự án. Đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức thì phải báo cáo thành tích" - PGS Hưng nhấn mạnh.


Bệnh tăng động giảm chú ý: Khởi bệnh sớm trước 5 tuổi. Sự kết hợp của một hành vi hoạt động quá mức, kém kiềm chế với thiếu chú ý rõ rệt và thiếu kiên trì trong công việc. Các biểu hiện trên nổi lên trong các tình huống và kéo dài nhiều năm’’. Sự thiếu chú ý là nét trọng tâm của hội chứng (ICD-10 và DSM-IV)

P.Thúy