Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh: Trung Quốc phải rút giàn khoan HD-981, không có chuyện Việt Nam nhún nhường, nhân nhượng |
Tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore, một trang mạng tiếng Trung có nhiều bài viết có thiên hướng ủng hộ Trung Quốc, vào ngày 9 tháng 6 đã đăng bài viết nhan đề "Cuộc chiến bảo vệ biển của Việt Nam và tình cảnh khó xử của Trung Quốc" của nhà nghiên cứu Bành Niệm, Viện nghiên cứu Thiên Đại - Hồng Kông; nghiên cứu sinh tiến sĩ, khoa nghiên cứu chính phủ và quốc tế, Đại học Tẩm Hội, Hồng Kông.
Bài viết mặc dù có rất nhiều quan điểm sai trái, xuyên tạc, nhưng cũng phản ánh được nhiều về “tình cảnh” của Trung Quốc hiện nay.
Bài viết cho rằng, từ khi Trung Quốc và Việt Nam xảy ra cuộc chiến “đấu khẩu” và “vòi rồng” (TQ chủ động tấn công, vu vạ cho Việt Nam) do giàn khoan Hải Dương 981 (hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam) gây ra đến nay, Trung Quốc và Việt Nam đều không tỏ ra "có nguyện vọng mạnh mẽ để làm lặng sóng tranh chấp lãnh thổ” (Đây là hoạt động sai trái, cố ý tạp ra tranh chấp của phía TQ-PV).
Trái lại, theo tác giả Bành Niệm, sau khi ở Việt Nam nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, nhà nước Việt Nam đã mạnh mẽ tuyên bố bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, gây ra chỉ trích (vô lý) gay gắt hơn từ Trung Quốc. Đối mặt với “cuộc chiến bảo vệ biển toàn dân” của Việt Nam, Trung Quốc hầu như còn chưa tìm được biện pháp có hiệu quả để ứng phó, “tình cảnh khó xử” có lẽ sẽ tiếp tục nổi lên.
Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp báo về việc Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam kể từ tháng 5 năm 2014 đến nay |
Giáp công trong ngoài của Việt Nam
Bài báo cho rằng, vừa qua, (do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), ở Việt Nam đã nổ ra sự kiện biểu tình chống Trung Quốc, gây "bất mãn mạnh mẽ" cho Trung Quốc.
Bài báo xuyên tạc cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện các cuộc "tấn công ngoại giao mạnh và liên tục", buộc Chính phủ Việt Nam "phải khuất phục" và "đã kiềm chế hoạt động biểu tình ở trong nước, đồng thời xét xử công khai những phần tử biểu tình bạo lực chống Trung Quốc". Trên thực tế, Việt Nam chủ động chế tài đối với những phần tử lợi dụng biểu tình chống phá.
Theo bài báo, điều này phần nào đã làm dịu sự bất mãn của Trung Quốc, nhưng thái độ "chống Trung Quốc" ở Việt Nam không vì vậy mà mất đi.
Bài báo bịa đặt cho rằng, Chính phủ Việt Nam muốn thể hiện với người dân rằng, chính quyền buộc phải "trói buộc" biểu tình là do Trung Quốc "cứng rắn". Theo đó, bài báo dựng chuyện cho rằng, hành động này của Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục làm tăng thái độ chống Trung Quốc vốn đã "cháy rực" ở Việt Nam.
Một phụ nữ Việt ở Đài Loan giương cao cờ đỏ sao vàng trong cuộc tuần hành yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Bài báo dựng chuyện, xuyên tạc cho rằng, sau đó, Chính phủ Việt Nam không chỉ không làm lặng sóng "tranh chấp lãnh thổ" giữa Trung-Việt (thực chất là Trung Quốc nhảy vào xâm lược vùng biển của Việt Nam bằng giàn khoan, tàu chiến, máy bay quân sự...), mà còn thông qua các phương thức như tăng cường khả năng chấp pháp của lực lượng kiểm ngư, khuyến khích ngư dân đến "vùng biển tranh chấp" (thực chất là vùng biển chủ quyền của Việt Nam) tiến hành hoạt động đánh bắt cá, đồng thời dùng lợi ích kinh tế để "kích thích", tiếp tục không ngừng điều tàu tiến hành "quấy rối" (thực ra là thực thi pháp luật) đối với giàn khoan của Trung Quốc, để đoàn kết lực lượng trong nước, củng cố lòng tin "tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải" (đây là bảo vệ biển đảo chủ quyền chính đáng, không có tranh chấp như Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra -PV) với Trung Quốc.
Bài báo dẫn tờ "Nhân Dân", cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 6 cho biết, Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh ngày 2 tháng 6 đã tổ chức lễ tiếp nhận 66,4 triệu đồng của hoạt động quyên góp "Tình nghĩa Hoàng Sa, Trường Sa". Sở y tế tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi toàn thể cán bộ, công nhân viên dùng hình thức tin nhắn để ủng hộ, nhằm tiếp sức cho lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nhà máy đóng tàu Bắc Mỹ An thành phố Đà Nẵng vào ngày 2 tháng 6 đã tổ chức vớt thành công tàu cá Na 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26 tháng 5. Thành ủy Đà Nẵng đã trao 11 phần quà trị giá mỗi phần quà là 4 triệu đồng cho 10 ngư dân và thuyền trưởng.
Toàn dân Việt Nam quyên góp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp sức, tiếp lửa cho các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư đang đấu tranh với Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. |
Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Bình Dương gần đây ủng hộ 400 triệu đồng cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng 115 triệu đồng cho 6 hộ gia đình ngư dân có tàu cá bị tàu Trung Quốc tấn công ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị…
Ngoài xây dựng tinh thần đoàn kết kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải ở trong nước, Chính phủ Việt Nam còn lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên trường quốc tế, điều này bị bài báo nói là Việt Nam muốn "quốc tế hóa" tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Việt-Trung, gây sức ép quốc tế mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Tờ "Nhân Dân" ngày 4 tháng 6 cho biết, sáng ngày 3 tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã hội kiến với đoàn đại diện Hạ viện Mỹ. Chủ tịch cho biết, Trung Quốc triển khai giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Nghị sĩ John Kline Mỹ cho biết, Mỹ ủng hộ quan điểm và lập trường bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
Ngoài việc giành được sự ủng hộ ngoại giao của Mỹ, Chính phủ Việt Nam còn tận dụng Đối thoại Shangri-La 2014 để phê phán Trung Quốc xâm phạm chủ quyền. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam còn lần lượt thảo luận vấn đề tăng cường hợp tác quốc phòng với Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Pháp, Anh.
Tối ngày 30 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La, cho biết sẽ "ủng hộ tối đa" đối với Việt Nam, Philippines trong vấn đề Biển Đông. |
Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đến thăm Philippines, tăng cường hợp tác giữa Việt Nam-Philippines trên lĩnh vực an ninh biển.
Ngày 1 tháng 6, Đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc còn gửi thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, yêu cầu phân phát công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tiến hành phản đối các hoạt động liên tục xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký kết.
Nhìn vào một loạt động thái hiện nay của Việt Nam, bài báo cho rằng, Việt Nam đang đoàn kết mọi lực lượng trong nước, phát động mọi lực lượng ở nước ngoài để tăng cường lòng tin chống lại (sự xâm lược biển đảo Việt Nam) của Trung Quốc. Đồng thời, chỉ cần Trung Quốc không rút giàn khoan, Việt Nam sẽ không thể từ bỏ thế "giáp công trong ngoài" đối với Trung Quốc hiện nay.
Trong "tranh chấp Biển Đông" (thực ra là Trung Quốc thấy lợi nên muốn tranh phần, thậm chí muốn cướp toàn bộ - độc chiếm Biển Đông), Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó xử "nước lớn bị nước nhỏ bắt cóc" (luận điệu xuyên tạc). Trung Quốc càng cứng rắn (càng tham lam và khiêu khích), khả năng nhận biết về mối đe dọa Trung Quốc của các nước xung quanh càng mạnh, môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc càng không ổn định.
Tại Đối thoại Shangri-La 2014, Nhật Bản, Mỹ, Australia... đồng loạt lên tiếng phê phán Trung Quốc có các hành động đơn phương đe dọa hòa bình, ổn định khu vực. |
Bài viết cho rằng, điều này có thể nhìn thấy khi nhìn vào tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hạ thủy, Trung Quốc đưa ra "giấc mơ" cường quốc biển (xâm lược biển đảo - làm cướp biển), thành lập (phi pháp) cái gọi là thành phố Tam Sa, các nước xung quanh không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự trên biển, các nước ngoài khu vực không ngừng can thiệp vấn đề Biển Đông.
Trong khi đó, theo bài báo, nếu Trung Quốc "không cứng rắn" trong vấn đề này, thì không thể "làm lặng sóng thái độ bất mãn ở trong nước" (do Trung Quốc tự tạo ra, tự lừa nhân dân họ về "đường lưỡi bò"). Đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn trong nước hiện nay của Trung Quốc - tình hình chống khủng bố nghiêm trọng, mâu thuẫn xã hội xảy ra liên tiếp - thái độ bất mãn này càng đáng sợ.
Có lẽ chính vì mâu thuẫn, xung đột nội bộ xảy ra liên miên, nên Trung Quốc gây xung đột trên Biển Đông? Thực ra đấy chỉ là một phần của tảng băng chìm, mưu đồ thực sự của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên và có giá trị chiến lược.
Theo bài báo, trong cuộc đụng độ giữa Trung-Việt (thực ra là Trung Quốc nhảy vào cướp biển đảo của Việt Nam và các nước khác), các cuộc chiến "đấu khẩu" không ngừng giữa Trung Quốc và Việt Nam chỉ có thể nói là "tạm thời thích nghi".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam không đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc |
Ngoài điều đó ra, Trung Quốc hoàn toàn không có quá nhiều lựa chọn chính sách (!). Một mặt là do nước Trung Quốc trỗi dậy "còn chưa nắm được kỹ năng ngoại giao thành thạo"; mặt khác, môi trường an ninh xung quanh của Trung Quốc hiện nay đã hạn chế nghiêm trọng khả năng áp dụng nhiều biện pháp hơn của Trung Quốc - bài báo nhận định.
Trong ngắn hạn, hai nhân tố chế ước này đều không có nhiều khả năng thay đổi lớn, đặc biệt là khu vực xung quanh Trung Quốc hiện nay đang đối mặt với cuộc "đánh cờ" địa-chính trị mới, Trung Quốc vẫn không có đủ khả năng để dẫn dắt sự phát triển của tình hình. Vì vậy, trong "tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải", Trung Quốc vẫn sẽ ở trong tình cảnh khó xử - tiến thoái lưỡng nan (tiến hay lùi đều khó khăn).
Đồng thời, theo bài báo, cùng với việc tăng cường xu thế liên kết của các nước có liên quan và sự trầm trọng hơn của "đánh cờ" địa-chính trị, tình cảnh khó xử của Trung Quốc có thể sẽ nổi bật hơn.
Được biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. |