“Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet”

13/06/2014 13:51
Lê Lan
(GDVN) - Nhiều học sinh, sinh viên đã từng là nạn nhân của việc “bắt nạt qua mạng”, đau lòng hơn, nhiều em đã tìm tới cái chết để giải thoát.

Nối tiếp sự thành công của những mùa giải trước, liên hoan phim ngắn SCTV lần thứ 4, tại trường Cao đẳng Truyền hình tiếp tục thu hút sự quan tâm cho đông đảo các bạn học sinh, sinh viên trong trường - những bạn trẻ có niềm đam mê lĩnh vực báo chí - tryền hình. 

Với thông điệp cảnh báo các bạn trẻ về tác động tiêu cực của mạng Internet, phóng sự ““Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet” - giải nhất Liên hoan phim ngắn SCTV lần thứ 4, tại trường Cao đẳng Truyền hình, một lần nữa cho thấy rõ “mặt tối” của việc sử dụng mạng xã hội hiện nay. 

“Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet” ảnh 1

Nguyễn Quý Thành và Tạ Sang (sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình) đoạt giải xuất sắc thể loại phóng sự truyền hình.

Tác phẩm “Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet” do Nguyễn Quý Thành và Tạ Sang (sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình) thực hiện. Hai bạn có cùng chung sở thích làm phim, và thường làm những clip ngắn, kể những câu chuyện cuộc sống gần gũi, thiết thực với các bạn trẻ và chia sẻ trên Youtube. Phóng sự “Bắt nạt qua mạng, hiểm họa mới từ internet” được trao giải “Phim xuất sắc nhất” ở thể loại phóng sự.

Theo lời Quý Thành, tác phẩm “Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet” có kịch bản được phát triển từ vụ một nữ sinh lớp 12 ngoan hiền, chăm học ở Thạch Thất - Hà Nội, đã tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ. 

Nguyên nhân dẫn đến cái chết là vì nạn nhân quá bức xúc khi bạn cùng lớp ghép ảnh khuôn mặt mình vào ảnh thân hình của một cô gái mặc áo cổ rộng, hở nửa ngực trên mạng xã hội faceboook và lan truyền khắp cả lớp. 

Qua lời kể đau xót của bà mẹ trước sự ra đi của con gái mình, nhóm tác giả làm phim mong muốn người xem, nhất là các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn đến con cái. Gia đình cần phối hợp với nhà trường trong các giáo dục con cái. Các bạn học sinh, sinh viên cũng nên có sự hiểu biết đúng đắn, đúng mực, đừng để những sự việc đáng tiếc xảy ra. 

Tạ Sang, quay phim chính cho biết: “Khó khăn lớn nhất của nhóm chính là vấn đề thời gian và nhân lực. Việc liên hệ nhân vật rất khó, vì nhân vật đang mang trong mình nỗi đau mất con và họ cần sự tĩnh lặng, cảm thông, không muốn khơi lại chuyện. Để thuyết phục được nhân vật lên màn hình, bọn mình đã mất rất nhiều thời gian mới nhận được sự đồng ý”.

Trong tác phẩm phóng sự, nhóm làm phim cũng đã xây dựng được những chi tiết đắt giá, có sức hấp dẫn, lôi cuốn cả người xem vào câu chuyện cảm động và tìm thấy mình trong một phút giây nào đó. Tác phẩm còn cụ thể hơn bởi số liệu, hình ảnh về những vụ bạo hành trong thời gian qua, phản ánh tình trạng đe dọa qua mạng ở nước ta đang ở mức đáng báo động. 

“Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, nếu đảm báo tính chân thực có thể phát sóng trên các các kênh truyền hình” bà Hải cho hay.Trao đổi xung quanh tác phẩm phóng sự truyền hình xuất sắc này, Th.S Nguyễn Minh Hải (Trưởng Khoa Báo chí trường Cao đẳng Truyền hình) cho biết, tác phẩm: “Bắt nạt qua mạng - hiểm họa mới từ internet” - là một tác phẩm ấn tượng trong số các tác phẩm đoạt giải. 

Theo bà Hải, nhóm sinh viên thực hiện đã có những góc nhìn và cách khai thác, triển khai thông tin mới. Đồng thời, tác phẩm thể hiện tính thời sự, tính nhân văn, là môt lời nhắc nhở các bạn trẻ nên có cách hành xử phù hợp, không gây tổn thương tới những người xung quanh để tránh những hậu quả đáng tiếc. 

Theo nhận xét, dù chưa thật sự chuyên nghiệp, nhưng những tác phẩm có chất lượng tham gia cuộc thi Liên hoan Phim ngắn SCTV  lần này, đều được Ban giám khảo, là những nhà báo có nhiều kinh nghiệm của Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá rất cao. 

Lê Lan