Máy bay ném bom chiến lược B-52, pháo đài bay của quân đội Mỹ |
Tờ "Giải phóng quân" Trung Quốc ngày 13 tháng 6 đăng bài viết của Phạm Vĩnh Cường thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc nói về hệ thống căn cứ quân sự trên toàn cầu của Mỹ cũng như quá trình tiến hành điều chỉnh, bố trí của chúng.
Bài viết cho rằng, là siêu cường duy nhất trên thế giới, Mỹ bảo vệ bá quyền toàn cầu của họ, theo đó họ không chỉ dựa vào vũ khí trang bị tiên tiến và đội quân huấn luyện có tố chất, mà còn dựa vào các cụm căn cứ quân sự khổng lồ ở nước ngoài.
Cách đây không lâu, Mỹ và Philippines ký kết "Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Philippines-Mỹ", Philippines sẽ cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của họ. Thỏa thuận thời hạn 10 năm này tiếp tục là một quân cờ quan trọng để Mỹ thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", triển khai mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu.
"Báo cáo cơ cấu căn cứ quân Mỹ năm tài khóa 2013" của Lầu Năm Góc cho thấy, căn cứ quân sự nước ngoài của Hải quân Mỹ có mặt ở 6 châu lục trừ Nam Cực, 4 đại dương, bao quát hơn 40 quốc gia trên thế giới, tổng số căn cứ là 598.
Những căn cứ quân sự nước ngoài dày đặc này đồn trú khoảng 400.000 binh sĩ Mỹ, cùng với 11 cụm chiến đấu tàu sân bay tuần tra ở các vùng biển trở thành điểm tựa quan trọng của chiến lược toàn cầu của Mỹ, hỗ trợ cho bản đồ quyền lực từ Washington bao trùm lên toàn cầu của Mỹ.
Binh sĩ Mỹ |
Nhìn lại lịch sử, chiến tranh là cách làm hiệu quả nhất giúp Mỹ sở hữu và mở rộng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Trong chiến tranh năm 1898, Mỹ đã đánh bại Tây Ban Nha, sau đó Mỹ thiết lập căn cứ hải quân ở Philippines và Cuba. Đến năm 1938, Mỹ chỉ có 14 căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài, ít hơn nhiều các cường quốc khác.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Mỹ đẩy nhanh xây dựng căn cứ hệ thống quân sự trên toàn cầu. Năm 1941, Mỹ dùng 50 tàu khu trục cũ đổi quyền thuê lâu dài 6 căn cứ của Anh ở khu vực Caribe. Cùng năm, Mỹ lại giành được căn cứ của Hà Lan ở Greenland và Iceland. Sau khi tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ lấy "nhu cầu chiến lược" làm lý do, xây dựng căn cứ quân sự ở rất nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ đã có được một loạt căn cứ như Guam, đảo Saipan, Tinian, Okinawa.
Sau khi đánh hạ Philippines, Mỹ đã đoạt lấy căn cứ quân sự của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á, biến các đảo ở Thái Bình Dương thành nơi ủy thác quản lý của mình.
Trong chiến tranh, Mỹ cũng đã thiết lập rất nhiều căn cứ ở các khu vực như Trung Đông, châu Phi, Nam Á, Caribbe. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Mỹ lại thiết lập căn cứ quân sự ở các nước Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lúc này, Mỹ đã có trên 2.000 căn cứ quân sự ở hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Phi công Mỹ cùng với máy bay ném bom chiến lược |
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài giảm mạnh. Từ năm 1947 đến năm 1949, số lượng căn cứ từ 1.139 giảm mạnh xuống còn 582. Tuy nhiên, xu thế này hoàn toàn không tiếp tục. Cùng với sự nóng lên của Chiến tranh Lạnh, Mỹ mạnh mẽ mở rộng phát triển đồng minh ở Đông Á và Tây Âu.
Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, số lượng căn cứ quân Mỹ đã lên tới 815, đến năm 1967 thời kỳ chiến tranh Việt Nam tăng tới 1.041. Sau đó, Mỹ sa lầy vào vũng bùn chiến tranh Việt Nam, xu thế mở rộng căn cứ quân sự ở nước ngoài bất ngờ chấm dứt. Trong mấy chục năm sau đó, Mỹ rút các căn cứ ở các nước Pháp, Nam Tư, Việt Nam, Indonesia, Peru, Mexico, Venezuela. Sau đó, số lượng căn cứ luôn duy trì ở mức khi còn chiến tranh Triều Tiên.
Dựa vào chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ quay trở lại Trung Đông, đã lần lượt lập căn cứ quân sự ở 6 quốc gia như Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Oman, Kuwait và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Sau sự kiện 11 tháng 9, Mỹ lấy danh nghĩa chống khủng bố, phát động chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq, đã tận dụng cơ hội xâm nhập "khoảng trống" Trung Á trước đây chưa từng đặt chân tới, đã xây dựng căn cứ quân sự ở Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan. Mỹ cũng đã thi công rất nhiều căn cứ ở Afghanistan và đã thiết lập căn cứ bí mật ở Pakistan.
Đến đây, 14 cụm căn cứ ở 3 khu vực chiến lược như khu vực châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, khu vực châu Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ, khu vực Bắc Mỹ, Mỹ La tinh, đã tạo thành mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài của Mỹ.
Máy bay ném bom chiến lược B-52H triển khai ở Anh |
Kiềm chế đất liền và biển, tạo hình chữ V, uy hiếp đối thủ chiến lược
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumsfeld đã từng đưa ra ý tưởng: "10-30-30": Một khi chính phủ Mỹ đưa ra quyết định sử dụng vũ lực ở một khu vực nào đó trên thế giới, quân đội Mỹ triển khai tới địa điểm tác chiến trong 10 ngày; trong 30 ngày tiến hành tấn công quân địch; còn trong 30 ngày tiếp theo, quân đội Mỹ phải tập kết lại làm tốt chuẩn bị để chuyển tới một khu vực khác thực hiện một hành động quân sự khác.
Vì vậy, hệ thống căn cứ quân sự Mỹ được xây dựng dựa vào mô hình "lấy căn cứ trong nước làm hạt nhân, lấy căn cứ ở nước ngoài làm tuyến đầu, kết hợp 'điểm' và 'tuyến', bố trí nhiều tầng".
Trước hết là khu vực Trung Đông và Bắc Phi
Phần lớn quân đồn trú Mỹ phân bố ở những khu vực này, căn cứ tương đối tập trung, cụm căn cứ do Mỹ thiết lập ở những khu vực này chiếm 53% tổng số căn cứ ở nước ngoài, ở khu vực này thiết lập tổng cộng 5 cụm căn cứ, lần lượt được bố trí theo 2 đường hình thang.
Cụm căn cứ Trung Âu và cụm căn cứ Trung Đông, Bắc Phi hợp thành tuyến thứ nhất - cụm căn cứ Trung Âu được hợp thành bởi các căn cứ ở Đức, Bỉ, Hà Lan; cụm căn cứ Nam Âu được tạo thành bởi cụm căn cứ và cơ sở ở Italia và Hy Lạp. Trong đó, cụm căn cứ Trung Âu phụ trách trấn giữ vùng trái tim của châu Âu.
Cụm căn cứ Iceland và cụm căn cứ bán đảo Iberia tạo thành tuyến thứ hai, chức trách chủ yếu là tăng viện cho khu vực Trung, Bắc Âu tác chiến và thực hiện tấn công hạt nhân chiến lược.
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52H rời khỏi căn cứ Barksdale |
Thứ hai là khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương
Khu vực này có giá trị chiến lược cực kỳ quan trọng đối với Mỹ, vì vậy quân Mỹ đã thiết lập 7 cụm căn cứ tại khu vực này, chiếm 42,7% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Những căn cứ này được bố trí thành 3 tuyến, trong đó tuyến thứ nhất được tạo thành bởi 4 cụm căn cứ ở Alaska, Đông Bắc Á, tây nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương;
tuyến thứ hai được tạo thành bởi 2 cụm căn cứ Guam và Australia, là chỗ dựa và căn cứ trung chuyển vận tải đường biển, đường không quan trọng của các căn cứ tuyến thứ nhất, cũng là căn cứ theo dõi, do thám quan trọng;
tuyến thứ ba được tạo thành bởi cụm căn cứ quần đảo Hawaii, tuyến này một mặt là hậu phương chi viện tác chiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặt khác lại là tiền tiêu phòng ngự lãnh thổ Mỹ.
Ở những khu vực này, các căn cứ quân sự chủ yếu nhất được thiết lập ở căn cứ không quân Elmendorf ở Alaska, căn cứ hải quân Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cùng với căn cứ hải quân Apala và căn cứ không quân Anderson ở Guam.
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52H bay đến căn cứ Fairford ngày 4 tháng 6 năm 2014 |
Cuối cùng là khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh
Ở đây tương đương với sân sau của Mỹ, có 2 cụm căn cứ, một là cụm căn cứ Greenland, Canada; hai là cụm căn cứ Panama, biển Caribbe. Trong đó, cụm thứ nhất chủ yếu phụ trách nhiệm vụ cảnh báo sớm chiến lược và tiếp viện, cụm thứ hai phụ trách phòng ngự lãnh thổ Mỹ, đồng thời cũng chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực biển Caribbe.
Cùng với việc coi trọng trận địa tuyến đầu, quân đội Mỹ rất coi trọng cứ điểm quan trọng chiến lược trên tuyến vận tải, trấn giữ các tuyến đường yết hầu trên biển. Hiện nay, các yết hầu trên biển có sự hiện diện của quân đội Mỹ gồm có: Vịnh Alaska, eo biển Makassar, eo biển Sunda, eo biển Malacca, eo biển Mandab ở đầu phía nam và kênh đào Suez ở đầu phía bắc biển Đỏ, eo biển Gibraltar giữa Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, eo biển Hormuz ở vịnh Ba Tư, eo biển Florida ở phía bắc Cuba.
Nếu biểu thị các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài trên bản đồ, không khó phát hiện các căn cứ phân bố theo hình chữ "V" khổng lồ, một đường từ Alaska đi xuống, một đường từ Bắc Âu đi xuống, đáy là Diego Garcia.
Từ hình ảnh căn cứ phân bố theo hình chữ "V" có thể thấy, biện pháp duy trì thế tấn công đối với đại lục Âu-Á của Mỹ chính là lấy biển chế đất liền. Mỹ dựa vào lực lượng hải quân mạnh, kiểm soát các tuyến đường biển chủ yếu trên thế giới, tiến hành tấn công ngoại vi, cân bằng ngoài khơi, cuối cùng gây sức ép từ 3 mặt vào trung tâm lục địa, kiềm chế các nước lớn khu vực.
Ngày 4 tháng 6 năm 2014, hai máy bay ném bom chiến lược B-52H bay đến căn cứ Fairford |
Kỳ tới: Chiến lược chuyển hướng sang phía Đông, kế hoạch “hoa súng” hỗ trợ cho "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương"