Thời gian này là lúc các sĩ tử đang tập trung luyện thi để “vượt vũ môn”. Rất nhiều sĩ tử lựa chọn cách vào “lò” luyện thi cấp tốc để có được lượng kiến thức tốt nhất, nhiều ý kiến cũng cho rằng với những lớp hàng trăm người học như vậy liệu có chất lượng?
Ôn kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy Trung Hiếu, giáo viên Sử trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, một vài năm trở lại đây với cách ra đề mở đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức linh hoạt của học trò nhiều hơn, do vậy các lò luyện thi lớn khó có đất dụng võ.
Theo thầy Hiếu, các em học sinh ở nông thôn thường nhận thức rằng thi xong tốt nghiệp rồi ra thành phố, đến những lò luyện thi gần các trường đại học lớn “luyện” là sẽ hiệu quả, đó là suy nghĩ chưa chính xác.
“Chúng tôi vẫn thường khuyên các em học sinh rằng không nên đến các lò luyện thi, tại thành phố Vinh trước kia có những lò luyện thi rất lớn nhưng cũng không tồn tại được vì không hiệu quả, thay vào đó là yếu tố lừa đảo nhiều hơn” thầy Hiếu cho biết.
Nhiều trung tâm luyện thi “treo đầu dê bán thịt chó” là chủ yếu, các nơi luyện thi đều lấy tên nhiều thầy, cô nổi tiếng nhưng khi học sinh đến học lại không phải thầy, cô đó.
“Chúng tôi không ủng hộ cho học trò của mình tới các lò luyện thi, ngồi ở đó vừa tốn kém và không hiệu quả, một lớp có hàng trăm em học thì không thể hiệu quả được, chỉ cưỡi ngựa xem hoa” thầy Hiếu khuyên.
Hiện nay xuất hiện một số trang mạng tổ chức ôn thi trực tuyến, các bài giảng của các khối sẽ được thể hiện dưới dạng clip. Hình thức ôn thi này cũng đã thu hút nhiều học sinh. Theo nhận định của thầy Hiếu, dạng ôn thi này không phải mới, đã tiến hành vài năm nay.
Theo kinh nghiệm của thầy Hiếu, với cách ra đề như một số năm gần đây thì các sĩ tử chỉ cần học trong sách giáo khoa là có thể làm được bài, không cần tới các lò luyện thi vừa tốn kém và hiệu quả không cao.
Kinh nghiệm của thầy Hiếu khuyên các học sinh, phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, và rèn luyện kỹ năng làm bài. Với các dạng về tự luận thường có những câu, những ý mang tính mở, đây là cơ hội để học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn nhiều và gỡ được điểm ở những câu này.
Cùng quan điểm, thầy Bùi Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, việc học các lớp cấp tốc là tình trạng diễn ra nhiều năm nay. Mô hình đánh vào tâm lý của đông học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, theo thầy Hoàng, việc học này không có nhiều tác dụng với đa số học sinh. Với những học sinh có học lực kém, nếu cố gắng thì là dịp để các em “vớt vát” kiến thức được chút nào hay chút đó.
Thầy Hoàng cũng cho rằng, với thời gian ngắn như vậy việc chọn các thầy giỏi để dạy cho học sinh có lực kém cũng khó có thể tiếp thu được, hơn nữa mỗi lớp số lượng đông nên việc hỏi – đáp cũng hạn chế, khó tạo sự đột biến.
“Nếu học sinh tự tin với học lực của mình thì tốt nhất nên tự ôn luyện lại kiến thức được học và có thể tranh thủ tham khảo thầy cô và qua internet” thầy Hoàng khuyên.
Học hết sức mình
Thầy Nguyễn Xuân Trường - hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai A (Thanh Oai, Hà Nội) đánh giá, ở thời điểm này việc học các lớp luyện thi cấp tốc đối với những học sinh khá, giỏi có thể là lúc để các em tổng lược lại kiến thức. Qua các lớp này cũng có thể học được những cách giải hay so với cách giải của thầy cô ở địa phương.
Tuy nhiên, theo quan điểm của thầy Trường với những học sinh có lực học khá, trung bình các em nên dành thời gian còn lại ở nhà để ôn luyện lại toàn bộ kiến thức của thầy cô đã dạy, ngoài ra cần ôn lại lý thuyết đối với các môn khoa học tự nhiên.
“Kinh nghiệm theo dõi ở trường tôi, những học sinh có điểm cao hẳn lên đều chủ yếu tự học. tất nhiên cũng có những học sinh cần sự hướng dẫn của thầy cô” thầy Trường chia sẻ.
Thầy Tăng Văn Long, giảng viên Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ về việc sĩ tử tham gia các lò luyện thi, nếu học lực của học sinh chỉ đạt từ 3-4 điểm nhưng qua các lò luyện mà thi đại học đạt tới 7-8 điểm là điều không tưởng.
Với dạng đề mở nhiều năm nay không nhất thiết các sĩ tử phải tới lò luyện thi. Ảnh minh họa |
Theo kinh nghiệm của thầy Long, các sĩ tử hãy học hết sức mình, tính toán bài cản và cẩn thận. Những câu nào đạt điểm thì phải đạt, không nghe lung tung.
Đối với những học sinh có lực học kém, thầy Long chia sẻ, các em trong khả năng làm của mình câu nào có thể đạt điểm cố gắng không được phép sai sót. Ví dụ câu khảo sát vẽ, câu về lượng giác, những câu nào làm được phải chắc chắn để tròn thang điểm.