Các nhà thuyền trên Hồ Tây đều cam kết bảo vệ môi trường?
Mới đây, Báo Giáo dục Việt Nam có bài phản ánh về tình trạng mất an toàn và ô nhiễm môi trường nước quanh các thuyền bè, nhà nổi hoạt động kinh doanh trên Hồ Tây. Liên quan đến trách nhiệm của Ban Quản lý Hồ Tây, trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Phương Văn Vĩnh, Phó Ban quản lý Hồ Tây cho biết, trên Hồ Tây hiện có khoảng 10 nhà nổi, thuyền bè đã được cấp giấy phép kinh doanh.
Rác thải ngập ngụa quanh một số khu nhà thuyền hoạt động trên Hồ Tây |
Lí giải nguyên nhân khu vực nước xung quanh một số nhà thuyền luôn trong tình trạng ngập rác, bốc mùi khó chịu, ông Vĩnh cho rằng đó là do nước thải của một phần thành phố Hà Nội chảy vào hai ống cống từ hệ thống thoát nước khu Phan Đình Phùng, sau đó xả ra Hồ Tây, không phải do các nhà thuyền.
“Anh nói thật, các em chụp thế nào cũng được. Chụp vào chỗ bẩn thì nó bẩn mà chụp ra chỗ sạch thì nó sạch” – ông Vĩnh giải thích.
Cũng theo ông Vĩnh, các nhà thuyền đang hoạt động trên Hồ Tây đều có giấy phép xả thải vào nguồn nước, hợp đồng thu gom rác thải và cam kết bảo vệ môi trường. Những loại giấy phép này hiện chủ các nhà thuyền đang giữ.
Ông Phó Ban quản lý Hồ Tây cho biết thêm, vấn đề xử lí nước ở Hồ Tây là bài toán nan giải, đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Ban Quản lý cũng đã có báo cáo lên UBND thành phố để tìm biện pháp khắc phục tình trạng trên.
Nhiều nhà thuyền đã từng bị xử lí vì gây ô nhiễm nguồn nước
Hiện gần đến mùa mưa bão, người dân lo lắng độ an toàn của các nhà thuyền này. Như quan sát của phóng viên, cây cầu sắt đi ra khu nhà thuyền Tây Long nhiều chỗ han gỉ, sàn nhà bị võng xuống, là nguy hiểm tiềm ẩn cho khách hàng khi đến vui chơi, ăn uống tại đây.
Cây cầu dẫn ra khu nhà hàng Tây Long nhiều chỗ han gỉ, gây mất an toàn cho khách khi đi qua đây. |
Về việc này ông Vĩnh cho biết, hàng năm đều có các đoàn kiểm tra đến để kiểm tra về độ an toàn của các nhà thuyền, đồng thời nhắc nhở các đơn vị phải thường xuyên tu bổ thuyền bè, cầu dẫn. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh ở Hồ Tây hàng năm phải xây dựng phương án cứu hộ cứu nạn để phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa bão gửi về Ban Quản lý Hồ Tây.
“Các nhà thuyền chịu quản lý của nhiều ngành, đơn vị. Đăng ký, đăng kiểm thì thuộc Cục đăng kiểm, mở bến thì thuộc trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải. Ban Quản lí Hồ Tây quản lí chung nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có thể kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở” – ông Vĩnh nói.
Theo lãnh đạo Ban Quản lí Hồ Tây, các nhà thuyền này mỗi tháng phải nộp phí sử dụng mặt nước là 40 nghìn đồng/m2/tháng.
Trước đó, vào năm 2010, nhà hàng Euraka Coffee (Nhà chờ du thuyền hồ Tây) bị Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội lập biên bản vì chưa lập đề án bảo vệ môi trường, chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật. Cùng thời gian trên, tại du thuyền Potomac nằm trên đường Thụy Khuê, cảnh sát cho biết du thuyền này cũng chưa lập đề án bảo vệ môi trường cũng như chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước.
Năm 2011, Quận Tây Hồ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng cảng du lịch ở khu vực Đầm Bảy, phường Nhật Tân. Sau đó sẽ quy tụ tất cả các nhà nổi đang hoạt động tại Hồ Tây tới đây. Lý do mà vị lãnh đạo quận Tây Hồ đưa ra là vì các thuyền bè, nhà nổi… đang hoạt động lộn xộn, xả nước thải bừa bãi, làm ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường của khu vực thắng cảnh này. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, không hiểu vì lí do mà các nhà thuyền vẫn chưa được di chuyển?.