Cục khảo thí phấn khởi vì đổi mới thi, kết quả cao

17/06/2014 07:25
Xuân Trung
(GDVN) - Thông tin sơ bộ từ Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) khi tổng kết kết quả thi của 46 tỉnh, thành phố trong cả nước tính tới ngày 16/6.

Theo thông tin trên, kết quả sơ bộ ban đầu của 46 tỉnh, thành trên cả nước (cả giáo dục THPT và GDTX) nhìn chung không có biến động nhiều so với năm 2013. Cụ thể: Tỷ lệ tốt nghiệp của 46 tỉnh, thành phố của cả nước: giáo dục THPT là 99,01% (năm 2013 là 98,97%); giáo dục thường xuyên là 86,97% (năm 2013 là 78,08%). 

Đề thi được đổi mới 

Theo nhận định, kết quả này phản ánh những điều chỉnh, đổi mới của kỳ thi năm nay đã có tác động tích cực, nâng cao chất lượng đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. 

Cụ thể, học sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và  2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ. Điều này vừa giảm áp lực thi cử, vừa phát huy năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của các em học sinh.

Năm nay cũng là năm đầu tiên việc kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Theo đó, có 4 môn được đánh giá thông qua kỳ thi cấp quốc gia (kỳ thi tốt nghiệp THPT), các môn còn lại được đánh giá ở cấp trường.

Cục khảo thí phấn khởi vì đổi mới thi, kết quả cao ảnh 1

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa qua. Ảnh Xuân Trung

Theo đó, chủ trương này chính là thực hiện nguyên tắc “Học gì thi nấy, học môn nào thi môn nấy”, khắc phục hiện tượng học lệch. Đây chính là yếu tố tạo yêu cầu, động lực để học sinh học toàn diện hơn, học đều các môn hơn, từng bước đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Kết quả học tập của học sinh được ghi nhận một cách toàn diện và liên tục hơn, học sinh tránh được những rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho biết, đề thi năm nay có yêu cầu cao hơn các năm trước, tăng cường các câu hỏi đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề chứ không nặng về ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo các khuôn mẫu có sẵn. 

Đặc biệt đề thi môn Ngữ văn có phần đọc hiểu và làm văn, đề thi môn Ngoại ngữ có phần viết và trắc nghiệm. Đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn. 

Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh; Do đó, điểm thi năm nay phản ánh sát hơn năng lực của học sinh.

Như vậy, chủ trương nâng cao chất lượng đề thi của Bộ GD&ĐT đã đặt ra yêu cầu nhà trường và học sinh phải nỗ lực cố gắng dẫn đến kết quả dạy học được nâng lên. Kết quả này cũng là tiền đề để tiếp tục đổi mới thi theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của học sinh những năm tới.

Kỳ thi làm thay đổi nhận thức?

Trước thông tin về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của một số tỉnh, thành trong cả nước có phần cao hơn năm trước, nhiều người đã đặt câu hỏi, nếu năm nào cũng đỗ với tỷ lệ gần 100% thì có nhất thiết phải duy trì kỳ thi này không? 

Trả lời mới đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay nằm trong lộ trình thiết kế của việc sẽ tiến tới có một kỳ thi quốc gia làm cả 2 nhiệm vụ đánh giá việc tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển lựa học sinh vào đại học và cao đẳng.

Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã làm thay đổi nhận thức của học sinh, giáo viên và phụ huynh về một kỳ thi nhấn mạnh tới việc phát triển tư duy, nhận thức, kỹ năng sống của học trò.

Theo đánh giá, kỳ thi đã làm thay đổi nhận thức về dạy học, thi, kiểm tra đánh giá. Việc đổi mới đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, cũng như việc chấm bài theo hướng mở đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá một cách thực chất hơn. 

Giáo viên phải tự bồi dưỡng, tham gia bồi dưỡng nâng cao dần năng lực giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; khắc phục dần tình trạng dạy học đối phó, truyền thụ một chiều học thuộc lòng máy móc, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.


Kết quả thi cũng tác động mạnh vào nhận thức của học sinh, giúp phát huy hứng thú của các em, giúp các em định hướng nghề nghiệp sau THPT, phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Khắc phục tình trạng học đối phó và sử dụng “phao thi”. Những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực sự đưa học sinh vào trung tâm của quá trình dạy học.

Theo quy định, việc hoàn tất công tác chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp để công bố kết quả tốt nghiệp trên phạm vi toàn quốc kết thúc vào ngày 18/06/2014.

Sau đó thu nhận đơn xin phúc khảo, tổ chức phúc khảo bài thi cho thí sinh và thông báo kết quả sau phúc khảo để các đối tượng thí sinh kịp dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vào đầu tháng 7 năm 2014.

Xuân Trung