Muốn được giải cao, phải coi ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ

18/06/2014 14:41
Xuân Trung
(GDVN) - Lễ trao thưởng cho học sinh đoạt giải Olympic tiếng Nga quốc tế năm 2014 được Bộ GD&ĐT long trọng tổ chức sáng nay (18/6).

Ngoài việc tổ chức trao thưởng cho học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic tiếng Nga, cũng trong sáng nay Bộ GD&ĐT còn tổ chức trao thưởng cho các em học sinh đoạt Huy chương bạc Olympic Tin học châu Á.

Chi sẻ niềm vui với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, em Đỗ Anh Tùng, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà nội) một trong ba chủ nhân Huy chương vàng chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nga nói riêng, theo Tùng khi học ngoại ngữ không nên chỉ học lý thuyết mà cần học đều các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Theo quan sát của Tùng, ra nước ngoài, các nước đánh giá Việt Nam nắm rất chắc lý thuyết, duy chỉ có nghe nói chưa được tốt. 

Muốn được giải cao, phải coi ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao bằng khen cho đội tuyển Olympic tiếng Nga. Ảnh Xuân Trung

Các kỹ năng nghe, nói Tùng được học chủ yếu từ trường, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ thường xuyên mời giáo viên nước ngoài về dạy, tăng tính tương tác cho học sinh.

Phần lớn thời gian Tùng học ngoại ngữ trên trường nên cũng không học thêm.

Tiếng Nga là ngoại ngữ chưa phổ biến, trước khi lựa chọn theo học tiếng Nga nhiều người trong gia đình Tùng còn băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, chính bố mẹ lại là niềm động viên để Tùng có được thành công như ngày hôm nay.

Kết quả HCV Olympic tiếng Nga vừa rồi Tùng chưa bao giờ dám nghĩ tới, thậm chí còn chưa khi nào dám nghĩ được đi thi cấp quốc gia. Vì đây là một “con đường” mới với Tùng, là ngôn ngữ mới còn nhiều khó khăn và ít được học sinh lựa chọn.

Chia sẻ thêm, trong quá trình dự thi, phần hùng biện của Tùng được ban giám khảo đánh giá là một trong những bài hùng biện xuất sắc nhất trong tổng số hơn 150 bài tham dự. Bài hùng biện của Tùng có nội dung liên quan về nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Puskin, bài hùng biện được mọi người chăm chú lắng nghe, thậm chí nhiều người cảm xúc tới mức yêu cầu Tùng đọc thơ của Puskin bằng tiếng Việt ngay tại cuộc thi.

“Khi hùng biện về Puskin em tập trung nhấn mạnh việc dạy các tác phẩm của Puskin trong trường học, nói về Phân viện tiếng Nga mang tên Puskin ở Việt Nam” Tùng cho biết.

Nói về định hướng theo đuổi nghề nghiệp tương lai, Tùng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi tiếng Nga, có thể làm việc liên quan tới tiếng Nga ở lĩnh vực nghiên cứu.

Muốn được giải cao, phải coi ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ ảnh 2

5 thành viên trong đội tuyển Olympic tiếng Nga. Ảnh Xuân Trung

Cùng đội tuyển, em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định - Huy chương Vàng đồng thời đoạt thêm 2 giải Nhất (Giải Nhất về nhà Hùng biện trẻ và giải Nhất phần thi đọc hiểu) cũng cho biết, việc lựa chọn tiếng Nga như là một lẽ đương nhiên vì  bản thân đã từng có thời gian hai năm ở Ucraina (nói tiếng Nga), Nguyệt cảm nhận tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ và gần gũi với tiếng Việt. 

Chia sẻ thêm về phương pháp học tiếng Nga, Nguyệt cho biết em thường xuyên đọc sách, tự dịch các sách bằng tiếng Nga, đồng thời sâu chuỗi các kiến thức để thành hệ thống cho dễ hiểu và dễ nhớ.

Được biết, mỗi thí sinh dự thi Olympic tiếng Nga sẽ phải có phần hùng biện theo chủ đề tự chọn. Nhớ về nội dung bài hùng biện bằng tiếng Nga về môi trường hiện nay, Nguyệt cho biết em đặc biệt quan tâm tới nguyên nhân làm môi trường sống bị ảnh hưởng và đưa ra các lời kêu gọi với con người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Bài hùng biện được đánh giá cao.

Chúc mừng thành tích của các học sinh đoạt giải đợt này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, học sinh Việt Nam những năm gần đây có nhiều sân chơi trí tuệ khác nhau ở cả trong và ngoài nước.

Không chỉ trong những cuộc thi quốc tế, Olympic với kết quả đáng khích lệ, Việt Nam còn tham gia kỳ thi PASEC - đánh giá học sinh tiểu học và PISA đánh giá học sinh trung học. Ở hai cuộc thi này, Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao.

Nhắn nhủ với các chủ nhân đoạt giải lần này, Thứ trưởng Hiển đề nghị, các em cần cố gắng trên kết quả đó để làm mục tiêu học tập tốt. “Trước mắt còn nhiều thử thách và còn nhiều điều thú vị đang chờ các em” Thứ trưởng cho biết.

Trong kỳ thi Olympic tiếng Nga quốc tế năm 2014 Việt Nam vinh dự có 5 thí sinh dự thi, trong đó mang về 3 Huy chương vàng và hai Huy chương bạc. 

Cụ thể, em Nghiêm Bá Trí, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) - huy chương Vàng đồng thời đoạt giải Nhất nhà đọc thơ trẻ.

Đỗ Anh Tùng, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, thành phố Hà Nội - Huy chương Vàng.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định - Huy chương Vàng đồng thời đoạt thêm 2 giải Nhất: Giải Nhất về nhà Hùng biện trẻ và giải Nhất phần thi đọc hiểu.

Hai huy chương Bạc thuộc về Nguyễn Phương Trang, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) và Dương Hồng Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).

6 học sinh đoạt Huy chương bạc Olympic Tin học Châu á gồm 4 học sinh của Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) là Đỗ Xuân Việt, Đỗ Ngọc Khánh, Nguyễn Việt Dũng, Ngô Hoàng Anh Phúc. Hai thí sinh còn lại là Nguyễn Phan Quang Minh - lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) và Nguyễn Trọng Đạt - lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Xuân Trung