Ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay thôi
Tại phiên thảo luận dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Văn Đương – đoàn TP.HCM nhận định: Thực chất bỏ phiếu tín nhiệm không chỉ là cảnh báo, cảnh tỉnh, mà điều quan trọng hơn là thôi thúc người được tín nhiệm cao cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Cần là cần người năng động sáng tạo, người có tài, chứ còn người có đạo đức tốt một cách trừu tượng thì không ai cần cả, có khi bỏ phiếu lại cao. Tôi nghĩ cần phải đánh giá lại cách bỏ phiếu như thế, mà cụ Hồ đã nói có đức mà không có tài là vô dụng. Anh ăn lương của dân mà vô dụng thì phải thay thôi, thế nhưng khi người ta xả thân vì công việc thì có thể có khuyết điểm này khuyết điểm kia, nhưng những người đấy xã tắc cần.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương. |
Trước áp lực của tiền bạc và công việc thì mới bộc lộ ai thực sự có năng lực, ai thực sự vì dân vì nước, thực sự vì công việc, vì xã tắc. Nếu mà những người có chức vụ này mà còn chuyển động được thì xã hội chuyển động nhanh, nhân dân được nhờ, và không xấu hổ vì một thời làm quan chỉ vì cái ghế của ông nên người ta nể chứ con người ông ấy thì người ta coi thường. Như thế thì có nên không? Tôi cho rằng nên trọng uy tín, mà con người lãnh đạo phải có uy tín chứ không chỉ có uy quyền, đừng mượn quyền lực nhà nước để điều hành, lãnh đạo. Tôi xin thẳng thắn nói như vậy.
Sao Đại biểu Quốc hội dốt thế nhỉ?
Cũng tại phiên thảo luận sửa đổi lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – tỉnh Lâm Đồng phát biểu: Có cử tri nói với tôi: Sao Đại biểu Quốc hội dốt thế nhỉ? Tôi hỏi tại sao thì họ nói là phiếu cao thì tín nhiệm cao, còn phiếu thấp thì đương nhiên là thấp. Họ chê mình như thế đấy. Còn nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần như dự thảo thì ít, không đánh giá được và chẳng giải quyết được gì cả… Lấy phiếu tín nhiệm ở ba mức như hiện nay cũng không hợp lý, chỉ nên để ở hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, vì lấy phiếu là để thăm dò năng lực cán bộ.
Người bị oan sai có 5 cái mất, 3 cái khổ
Đại biểu Nguyễn Thị Khá – tỉnh Trà Vinh đã phát biểu tại phiên họp cho ý kiến về chương trình giám sát của Quốc hội: Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Và, ai ở trong chăn thì mới biết chăn có rận. Đấy là người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Ngọc Quang. |
Trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những cái mất ấy, người bị oan sai phải trải qua 3 công đoạn đoạn khổ sở: Làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp cái công thứ 2 là công lý. Sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục đi tìm cái công thứ 3 đó là công bằng. Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ. Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào.
Suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn là hậu quả của tình trạng thiếu hiểu biết
Đại biểu Dương Trung Quốc - tỉnh Đồng Nai nhận định: Có một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận là chiều cao trung bình của người Việt Nam ngày càng thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện tại mới đạt 1,63m – so với Hàn Quốc 1,73m, Trung Quốc 1,72m, Singapore, Thái Lan hay Malaysia đều đạt trên 1,7m.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang |
Nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới thì cũng lại đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Cụ thể, chúng ta đang có 2,5 triệu trẻ suy dinh dưỡng mãn tính trong đó có 1/10 suy dinh dưỡng cấp tính. Con số thống kê cho thấy trẻ em suy dinh dưỡng không chỉ có ở vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM cũng có. Nói một cách đơn giản thì 30% người Việt Nam trưởng thành mang thể trạng của một tuổi thơ suy dinh dưỡng.
Quốc hội ra thông cáo phản đối hành động sai trái của Trung Quốc
Thực tế trên là nghịch lý khi thực trạng này xảy ra ở quốc gia xã hội chủ nghĩa, thừa lương thực, có lượng xuất khẩu gạo đứng nhất nhì toàn cầu. Những phân tích khoa học cho thấy, suy dinh dưỡng không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn là hậu quả của tình trạng thiếu hiểu biết, thiếu hướng dẫn về khoa học dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ mà một thời ở nước ta đã được khắc phục nhờ hệ thống các nhà trẻ và đội ngũ nuôi dạy trẻ thời bao cấp, mà đến nay thời đổi mới lại chưa đáp ứng được.
Nếu chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu, chính đáng và hợp lý này thì chúng ta đừng bao giờ mơ đến việc sánh vai cùng các nước trong khu vực, chứ đừng nói đến cao vọng của một dân tộc sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Mong Quốc hội quan tâm đến các cháu, cũng là hậu duệ của chúng ta và là tương lai của đất nước
Không thể làm quy hoạch trên số liệu ảo
Đại biểu Lê Văn Học - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) phát biểu: Trong thời gian qua, báo chí và các nhà khoa học đã lên tiếng rất nhiều về quy hoạch cảng hàng không và sân bay của nước ta. Nhiều sân bay quá, có những sân bay chỉ cách nhau hơn 100km, thí dụ như sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, sân bay Thanh Hóa... và sẽ xây dựng sân bay rất lớn là sân bay Long Thành, tốn rất nhiều kinh phí, trong khi đó chúng ta đã có 4 sân bay quốc tế vệ tinh gần sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Long Thành, đó là sân bay Phú Quốc, sân bay Cần Thơ, sân bay Cam Ranh và sân bay Đà Lạt.
Hiện tại chưa cần mở rộng thì 4 sân bay vệ tinh nói trên đã đủ khả năng đạt đến hơn 20 triệu hành khách/năm đến năm 2020 và năm 2025.
Đại biểu Quốc hội Lê Văn Học. |
Ngành hàng không dân dụng và giao thông vận tải không thể dựa vào những nhu cầu ảo, dự báo thiếu chính xác và chưa tin cậy để làm quy hoạch gây lãng phí, hiệu quả thấp, tốn kém cho xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch ngành hàng không và dự báo số lượng hành khách, hàng hóa vào 2020 và 2030, tầm nhìn 2050 một cách chính xác.