Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 26/6 đưa tin, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi phát biểu đã "chơi trò cân bằng" tranh chấp Biển Đông, nhưng có ý "chống lưng cho Trung Quốc" và đã bị đài BBC tiếng Trung Quốc cắt bỏ.
Theo đài VOA ngày 25/6, hôm Thứ Ba vừa qua Thủ tướng Lý Hiển Long đã có bài phát biểu tại Hiệp hội Quan hệ đối ngoại Mỹ trong khuôn khổ chuyến công du Washington, trong đó nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình dương đang thay đổi, đặc biệt là với 1 Trung Quốc đang trỗi dậy.
Ông cho biết khi một quốc gia trỗi dậy mạnh mẽ hơn và tương tác giữa họ với các nước trở nên "dữ dội hơn" đã tạo ra những va chạm lớn, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
"Không ai trong số các nước Đông Nam Á muốn có một cuộc chiến với Trung Quốc. Trong thực tế Trung Quốc cũng đã đi được 1 đoạn đường đáng kể để phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN. Tuy nhiên nó cũng nảy sinh vấn đề về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Vấn đề không dễ giải quyết vì đã có một yếu tố đã thay đổi trong 10 năm qua, đó là chủ nghĩa dân tộc đã phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn hơn tới các chính phủ", ông Lý Hiển Long bình luận.
Và liên quan đến Biển Đông, sở dĩ Thời báo Hoàn Cầu nói ông Long chống lưng cho Trung Quốc là bởi Thủ tướng Singapore lưu ý rằng, Trung Quốc chủ trương yêu sách của họ có "căn cứ lịch sử" và có trước luật pháp quốc tế (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS). Sau đó Thủ tướng Long phát biểu: "Tôi không phải là luật sư, vì vậy tôi đoán có một số tính hợp lý trong lập luận đó (của Trung Quốc)."
Nhưng chính Thời báo Hoàn Cầu đã cố tình cắt xén nội dung lời phát biểu tiếp đó của ông Long: "Tuy nhiên từ quan điểm một quốc gia phải là thành viên của cộng đồng quốc tế, trong đó nước lớn và nước nhỏ không thể chỉ được xác định bởi sức mạnh. Tôi nghĩ rằng luật pháp quốc tế phải có một trọng lượng lớn hơn trong việc giải quyết các tranh chấp."
Ông Lý Hiển Long đề nghị Trung Quốc nên thể hiện họ là một nước lớn như Hoa Kỳ bằng cách tuân thủ luật pháp quốc tế, làm được điều này sẽ là một thành tích tuyệt vời của Bắc Kinh.
Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh cần biết rằng trong lịch sử có những nước lớn thích dùng vũ lực nhưng rồi cuối cùng đều sụp đổ như Đức Quốc Xã, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Liên Xô và Đế quốc Anh. Ông cho biết Trung Quốc (nên) đang cố gắng để tránh những sai lầm tương tự.
Trong khi đó tờ Tinh Châu nhật báo ngày 26/6 đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thảo luận về các hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông hôm Thứ Tư, theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng.
"Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận với nhau về mối quan tâm chung xung quanh hành vi gây mất ổn định trong khu vực Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế và xử lý hòa bình các vấn đề lãnh thổ, hàng hải", Nhà Trắng tuyên bố.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long cho thấy ông là một chính khách lão luyện tầm cỡ quốc tế, không thể đưa ra những nhận định "mơ hồ, cảm tính" để chống lưng cho Trung Quốc như tờ Hoàn Cầu cố tình suy diễn - PV.
Thứ nhất, ông Long khẳng định mình không phải là luật sư nên có thể hiểu đó là một nhận xét cá nhân, không có tính chất chính thức. Thứ 2, ông chỉ đưa ra phán đoán về một số tính chất hợp lý, nhưng hợp lý như thế nào và về cái gì thì ông không nói rõ.
Thứ 3, quan trọng nhất và cũng là nội dung ông Long muốn đề cập và nhấn mạnh đó là, Trung Quốc muốn thể hiện mình là một nước lớn thì hãy tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng Singapore cũng ngầm đưa ra một thông điệp cảnh báo Bắc Kinh, những nước lớn mà bất chấp luật pháp, dư luận quốc tế thì cuối cùng đều sụp đổ và nhắc lại rất nhiều bài học nhãn tiền.
Tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thì đầu tiên Trung Quốc nên làm rõ về yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò mà đại đa số học giả, luật gia quốc tế cho là vô lý, vô căn cứ của mình. Chỉ khi nào thuyết phục cộng đồng quốc tế bằng luật pháp, thì khi đó hành động của Trung Quốc mới có thể xem là văn minh, cách hành xử đàng hoàng của một nước lớn chứ không phải kiểu hùng hổ kéo giàn khoan, tàu chiến vào nằm chình ình trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước khác bất chấp mọi lý lẽ như hiện nay - PV.
Như vậy có thể thấy không có chuyện một chính khách danh tiếng như ông Lý Hiển Long lại đi làm cái việc "chống lưng" cho Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông như tờ Thời báo Hoàn Cầu đang cố tình suy diễn, bóp méo hòng lấp liếm cho âm mưu độc chiếm Biển Đông mà Bắc Kinh đang theo đuổi.