Vấn đề cần đặt ra là: “cài đặt phần mền nghe lên điện thoại lỗi tại ai?”. Phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe để làm rõ vấn đề trên:
Vừa qua vụ việc theo dõi hơn 14.000 điện thoại được cơ quan chức năng phát hiện làm rúng động dư luận, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Vụ hơn 14.000 điện thoại bị theo dõi được phát hiện có thể được coi là vụ việc xâm phạm đến đời tư cá nhân nghiêm trọng và lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam.
Về mặt xã hội, việc theo dõi và xâm phạm đời tư cá nhân với hàng chục nghìn máy điện thoại như vừa được phát hiện có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới người sử dụng điện thoại.
Ở góc độ pháp luật, hành vi theo dõi, nghe lén, thu thập thông tin của người dùng điện thoại là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo tôi, đây là vụ việc có quy mô lớn, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do thư tín, bí mật riêng tư của công dân.
Việc xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ việc này là phức tạp vì nó có liên quan tới nhiều cá nhân và tổ chức.
Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc này?
Trước hết cần phải khẳng định việc theo dõi, nghe lén, thu thập thông tin, tài liệu của người dùng điện thoại mà không được phép của họ là hành vi xâm phạm bí mật đời tư cá nhân được pháp luật bảo vệ.
Để xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ này, cần phải làm rõ hành vi của từng đối tượng mới có thể quy trách nhiệm một cách chính xác.
Với các thông tin ban đầu mà cơ quan chức năng công bố thì sẽ có hai nhóm đối tượng chính phải xem xét trách nhiệm là công ty sản xuất phần mềm theo dõi và những cá nhân cài và sử dụng phần mềm theo dõi.
Hình ảnh minh họa về chiếc điện thoại bị cài đặt chế độ nghe lén |
Thứ nhất, đối với trách nhiệm của công ty sản xuất và cung cấp phần mềm. Việc sản xuất, cung cấp các phần mềm theo dõi chạy trên hệ điều hành của điện thoại là rất phổ biến trên thế giới.
Việc sản xuất và cung cấp phần mềm theo dõi này là hoàn toàn bình thường. Chỉ khi phần mềm đó được sử dụng để thực hiện cách hành vi bị pháp luật cấm thì mới bị xem là vi phạm pháp luật.
Ở đây, nếu Công ty Việt Hồng chỉ sản xuất và cung cấp phần mềm theo dõi điện thoại một cách thuần tuý thì không thể bị coi là vi phạm pháp luật, trừ khi công ty này tham gia vào hoạt động thu thập thông tin, nghe lén.
Thứ hai, đối với trách nhiệm của người cài đặt phần mềm và theo dõi điện thoại. Trách nhiệm đối với đối tượng này có thể được chia làm hai loại. Một là đối tượng cài trên điện thoại của mình để theo dõi, dám sát điện thoại của chính mình, thì không thể bị xem là vi phạm pháp luật.
Đối tượng còn lại là đối tượng cài lên máy của người khác để theo dõi, nghe lén hoặc lấy dữ liệu cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó thì bị coi là vi phạm pháp luật.
Như vậy, để xác định một hành vi cài đặt và sử dụng phần mềm theo dõi điện thoại bị coi là vi phạm pháp luật hay không, cần phải làm rõ yếu tố có sự đồng ý hay không có sự đồng ý của người bị theo dõi.
Theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân có hành vi theo dõi điện thoại trái pháp luật có thể bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Hiến pháp, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác” được pháp luật bảo hộ. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Việc đảm bảo bí mật thông tin trên mạng viên thông công công được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 6 Luật Viễn thông năm 2009 như sau:
Thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được bảo đảm bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.”Cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 10.000.000 đồng đến 20.000.000 theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Tuỳ vào tính chất, mức độ của vụ việc, người có hành vi theo dõi điện thoại trái phép có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 125 Bộ luật hình sự năm 1999 về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.
Theo đó, “1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà cònvi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”.
Nếu phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Theo ông có nên cấm sản xuất và kinh doanh phần mềm theo dõi? Ông có lời khuyên gì cho người sử dụng điện thoại?
Phần mềm theo dõi cũng giống như công dụng và tác hại con dao. Dùng nó để gọt hoa quả là bình thường, nhưng để tước đoạt tính mạng của người khác thì bị coi là vi phạm pháp luật.
Không thể vì ngăn cấm ai đó sử dụng chúng vào mục đích trái pháp luật mà lại đi cấm người ta sản xuất ra nó. Việc cần làm không phải là cấm sản xuất hay kinh doanh phần mềm theo dõi mà là phải là có biện pháp để người ta sử dụng chúng đúng mục đích. Ai vi phạm thì xử lý người đó theo đúng quy định của pháp luật.
Với người sử dụng điện thoại, muốn hạn chế khả năng bị cài đặt phần mềm theo dõi thì trước hết, bản thân mình phải tự tìm cách bảo vệ chiếc điện thoại của mình.