Cơ quan cảnh sát điều tra (C48, P8) Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (tỉnh Sóc Trăng) và một số ngân hàng ở tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Viện kiểm soát nhân dân tối cao truy tố Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam (một doanh nghiệp chuyên chết biến, xuất khẩu thủy sản) và Trịnh Thị Hồng Phượng, nguyên Phó Giám đốc Công ty, cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này có 25 bị can nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng cùng tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam. |
Cụ thể, tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), Chi nhánh Sóc Trăng, có 5 bị can, gồm: Nguyễn Thế Thắng, nguyên GĐ Chi nhánh; Nguyễn Văn Xem, nguyên PGĐ; Trần Văn Nhã, nguyên Trưởng Phòng tín dụng; Vũ Văn Quang, nguyên Trưởng Phòng kiểm tra và Từ Quỳnh Ngân, nguyên cán bộ Phòng tín dụng.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang có 8 bị can, bao gồm: Đỗ Hùng Sở, nguyên GĐ; Vũ Ngọc Thuận, nguyên PGĐ; Nguyễn Hoài Bảo, nguyên Trưởng Phòng khách hàng; Nguyễn Thanh Hải, nguyên Trưởng Phòng quản lý tín dụng; Nguyễn Thanh Vinh, nguyên chuyên viên định giá tài sản đảm bảo; Phạm Vĩnh Phúc, nguyên chuyên viên tín dụng thuộc Phòng Khách hàng; Tống Hùng Vĩ, nguyên chuyên viên tín dụng; Nguyễn Việt Tâm, nguyên chuyên viên thẩm định phía Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình, có các 3 bị can, gồm: Nguyễn Văn Sơn, nguyên GĐ Chi nhánh Bạc Liêu; Võ Văn Trương, nguyên Trưởng Phòng quan hệ khách hàng và Kim Hoàng Minh Tân, nguyên Trưởng Phòng quản lý tín dụng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín có 6 bị can, gồm: Nguyễn Thanh Long, nguyên Giám đốc Chi nhánh Sóc Trăng; Lưu Quốc Cường, nguyên PGĐ; Võ Lê Việt Thắng, nguyên Trưởng Phòng cá nhân kiêm doanh nghiệp; Trương Văn Hùng, nguyên chuyên viên khách hàng; Lê Hoàng Phong, nguyên Trưởng Phòng hỗ trợ kinh doanh và Lê Mạnh Hùng, nguyên kiểm soát viên tín dụng,
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Sóc Trăng có 3 bị can, gồm: Nguyễn Thị Bích Dung, nguyên PGĐ; Lâm Quốc Tuấn, nguyên Trưởng Phòng khách hàng và Huỳnh Thị Ngọc Huệ, nguyên cán bộ khách hàng.
Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, C48 kết luận từ năm 2008 - 2012, Công ty Phương Nam liên tục làm ăn thua lỗ, nợ nần ngân hàng với số tiền rất lớn, dư nợ năm trước chuyển sang năm sau ngày càng cao. Đến cuối năm 2012, tổng dư nợ trên 1.752 tỉ đồng, số tiền lỗ trên 872 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, để Phương Nam kéo dài hoạt động, Lâm Ngọc Khuân (Chủ tịch HĐQT) đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi gian dối để vay được tiền của các ngân hàng. Qua giám định, tổng tài sản Công ty Phương Nam đem thế chấp chỉ có 639 tỉ đồng, nhưng lại vay được số tiền lên đến trên 1.750 tỉ đồng.
Đối với hành vi vi phạm quy định về cho vay, C48 xác định Nguyễn Thế Thắng (VDB Sóc Trăng) đã cùng thuộc cấp ký 6 hợp đồng tín dụng cho Phương Nam vay 1.870 tỉ đồng, nhưng trị giá tài sản thế chấp thực tế rất thấp, tạo điều kiện cho Lâm Ngọc Khuân ôm tiền bỏ trốn, gây thiệt hại nặng nề cho ngân hàng.
Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Đỗ Hùng Sở cùng nhiều lãnh đạo khác đã ký nhiều hợp đồng tín dụng giải ngân hàng ngàn tỉ đồng không theo quy trình, thiếu kiểm tra chặt chẽ dẫn đến việc Lâm Ngọc Khuân chiếm đoạt số tiền rất lớn rồi bỏ trốn (đã xuất cảnh đi nước ngoài).
Nguyễn Văn Sơn (Ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu), Nguyễn Thanh Long và Lưu Quốc Cường (Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Bích Dung (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Sóc Trăng) cũng có hành vi tương tự khi ký duyệt nhiều hợp đồng tín dụng sai quy định, thiếu kiểm tra, giám sát không chặt chẽ quá trình giải ngân gây thiệt hại số tiền rất lớn tại các ngân hàng mà các bị can này được giao trách nhiệm quản lý.
Hồng Anh