Vụ thang máy trục trặc khiến bảo vệ chết thảm: 40 triệu một mạng người

03/07/2014 13:55
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Lãnh đạo làm việc tắc trách dẫn đến cái chết của nhân viên, ấy thế mà khi bồi thường cho gia đình nạn nhân, đại diện công ty lại cò kè, thêm bớt...

Như thông tin Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa. Sáng 30/6, trong lúc đi kiểm tra chiếc thang máy đang bị trục trặc tại khu nhà tái định cư N5A (P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội), ông Trần Huy Tuấn (SN 1964, quê tại Việt Trì, Phú Thọ), là bảo vệ tại khu nhà đã bị rơi từ tầng 7 xuống đất, tử vong tại chỗ.

Về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Tuấn, theo ông Kiệt, tổ trưởng tổ dân phố, là người đi cạnh ông Tuấn cho biết, lúc ông Tuấn từ ngoài bước vào trong thang máy thì thang không có sàn, hẫng chân nên ông Tuấn bị ngã xuống.

Theo phản ánh của cư dân, hai chiếc thang máy khu nhà N5A hoạt động không ổn định từ cách đây 4 tháng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị việc này tới lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (là đơn vị quản lý, vận hành khu nhà), cùng lãnh đạo UBND phường Nhân Chính; lãnh đạo Quận Thanh Xuân; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ…, tuy nhiên chưa được giải quyết. Do đó ông Tuấn, bảo vệ khu nhà đã phải chịu cái chết oan đau đớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Hồng, em rể ông Tuấn (người bảo vệ bị chết) cho hay, sau khi xảy ra sự việc, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nói bồi thường cho gia đình 50 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc đưa tiền cho gia đình, các ông ở công ty lại “khấu” đi mất 10 triệu đồng mà không rõ là trừ vào tiền gì.

“Trong lúc nhà có việc, chúng tôi không câu nệ chuyện tiền nong, chỉ mong lo xong việc cho anh tôi. Họ hỗ trợ bao nhiêu, gia đình cũng phải chấp nhận, dẫu sao người cũng đã mất” – ông Hồng xót xa chia sẻ.

Cũng theo ông Hồng, khi ông Tuấn chết, gia đình không đòi hỏi Công ty phải bồi thường bao nhiêu vì cái đó phụ thuộc vào lương tâm con người.

Nhân dân khu N5A quyên góp tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân
Nhân dân khu N5A quyên góp tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân

Ngoài ra, từ ngày ông Tuấn chết, gia đình cũng không được ký nhận vào giấy tờ, biên bản nào liên quan đến việc xảy ra tai nạn. Gia đình chỉ ký vào văn bản xác nhận không tiến hành mổ tử thi và văn bản xác nhận đã nhận 40 triệu đồng tiền hỗ trợ của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Ông Hồng cho biết thêm, ông Tuấn đã làm việc tại công ty này đã lâu nhưng không hiểu vì lí do gì lại không có bảo hiểm xã hội?

“Từ ngày anh tôi mất, người của công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chỉ đến gia đình một lần khi đưa anh tôi từ Hà Nội về. Còn hôm đưa anh tôi ra nghĩa trang, không có người của công ty đến” – ông Hồng nói.

Cũng xin nói thêm, ông Nguyễn Đức Sơn là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Ông này từng được nhiều người biết đến qua vụ dùng gậy đánh vào đầu anh Trương Tiến Công - nhân viên sân golf Tam Đảo khiến anh này ngất xỉu tại chỗ.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Tuấn – bảo vệ khu nhà là do ông Tuấn thiếu quan sát, bước hẫng chân nên bị ngã. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa thì ai cũng rõ, do đơn vị quản lý tòa nhà đã thiếu trách nhiệm, để cư dân kiến nghị kéo dài về chuyện chiếc thang máy nhưng vẫn không giải quyết.

Như vậy, đáng lí ra người chịu trách nhiệm lớn nhất khiến ông Tuấn chết phải là lãnh đạo Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Ấy vậy mà khi nhân viên của mình chết vì sự tắc trách của lãnh đạo, Công ty này lại tìm cách “cò kè, thêm bớt”, khấu đi 10 triệu đồng tiền hỗ trợ. 

Trong khi đó, ông Tuấn là trụ cột trong gia đình. Ông mất đi để lại bố mẹ già đã trên 80 tuổi thường xuyên đau ốm, đang rất cần người chăm sóc.

VIẾT CƯỜNG