Việt Nam đang chọn thời điểm thuận lợi nhất để kiện Trung Quốc

03/07/2014 17:06
Ngọc Quang
(GDVN) - Ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - ông Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam sẽ chọn thời điểm có lợi nhất để kiện TQ, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Đã hơn 2 tháng kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải dương 981 trái phép trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tình hình tại khu vực chưa bớt căng thẳng.

Cho tới nay, Trung Quốc tiếp tục thể hiện nhiều hành động ngang ngược, tiếp tục điều tàu quân sự tới khu vực này và chủ động đâm húc vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Theo ông Lê Hải Bình, hiện nay cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao những nỗ lực trong ứng xử của Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

"Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng yêu cầu tôn trọng hòa bình trên biển Đông, chấm dứt các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm tuyên bố của các bên về biển Đông (DOC). Việt Nam luôn tôn trọng chính nghĩa, kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đây cũng là điều mà cộng đồng quốc tế ủng hộ", ông Bình cho biết.

Tài hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng phá hoại tàu Việt Nam
Tài hải giám Trung Quốc dùng vòi rồng phá hoại tàu Việt Nam

Một trong những thông tin quan trọng nhất trong những ngày gần đây là trong chuyến công tác tại Việt Nam, Thiếu tướng Gari Her - Phó Tư lệnh lục quân Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại trước hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển Việt Nam và cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi, ủng hộ Việt Nam đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam đang chọn thời điểm thuận lợi nhất để kiện Trung Quốc ảnh 2Tranh chấp chủ quyền: Chọn hữu nghị viển vông hay quốc gia, dân tộc?

Cũng theo ông Lê Hải Bình, mặc dù Việt Nam có lập trường, có chứng cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền (không tranh cãi) đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên trên thực tế vẫn tồn tại những tranh chấp giữa các bên về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

"Để giải quyết tranh chấp này, các bên cần ngồi vào bàn đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế", ông Bình nói.

Trước thông tin Trung Quốc mở rộng vùng thông báo bão trên biển Đông, ông Lê Hải Bình khẳng định: "Hành động này của Trung Quốc cũng không thể làm thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Thời gian vừa qua, Trung Quốc không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển Việt Nam và đưa nhiều tàu quân sự đến hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà mới nhất nước này còn tung ra thông tin về bản đồ 10 đoạn trên biển Đông. Hành vi của Trung Quốc được các học giả nhận định là nhằm gây sức ép về phía Việt Nam. Song song với hành vi này, Trung Quốc cũng tiếp tục tìm cách gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Điển hình là vào ngày vào ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá số hiệu ĐNa 90152 của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không những vậy, các tàu của Trung Quốc còn vô nhân đảo, tìm cách ngăn cản tàu Việt Nam cứu các ngư dân trên con tàu vừa bị đâm chìm.

Toàn bộ những hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc đã được nhiều phóng viên quốc tế ghi nhận ngay tại thực địa, tuy nhiên sau khi những hình ảnh và clip trên được đăng tải thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh đã bịa đặt trắng trợn rằng "tàu Việt Nam đã 120 lần đâm vào tàu Trung Quốc", dù không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng nào.

Ông Lê Hải Bình khẳng định: "Cho tới nay, Việt Nam vẫn tiếp tục các biện pháp đấu tranh hòa bình, yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan cùng với các lực lượng máy bay và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng tôi cho rằng mọi động thái, mọi hoạt động của các bên liên quan tại biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không làm phức tạp thêm tình hình. Biện pháp pháp lý cũng là một biện pháp hòa bình mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc".

Trả lời câu hỏi: Thời điểm như thế nào được coi là phù hợp để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc? Ông Lê Hải Bình cho biết: "Chắc chắn đó sẽ hoàn cảnh và thời điểm mang lại cho Việt Nam lợi ích cao nhất trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc".

Ngọc Quang