Người Kurd đòi công nhận độc lập, tương lai Iraq ngày càng ảm đạm

04/07/2014 09:35
Nguyễn Hường
(GDVN) - Người Kurd từ lâu đã khao khát độc lập và tình hình hiện nay ở Iraq có thể được xem là một cơ hội vàng đối với họ, Reuters nhận định.

Lãnh đạo khu vực người Kurd tự trị tại Iraq hôm 3/7 đã yêu cầu Quốc hội khu vực chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý về tính độc lập tự chủ của khu vực này.

Theo Reuters, khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) nổi dậy đánh chiếm miền bắc Iraq, người Kurd đã lợi dụng tình thế hỗn loạn mở rộng thêm 40% lãnh thổ của mình trên đất Iraq.

Lãnh đạo khu vực người Kurd tự trị ở Iraq Massoud Barzani.
Lãnh đạo khu vực người Kurd tự trị ở Iraq Massoud Barzani.

Trong khi chính phủ Thủ tướng Nouri al-Maliki không thể đoàn kết các dân tộc đứng lên chống lại nhóm khủng bố người Sunni cực đoan IS, người Kurd tuyên bố đã đến thời điểm họ tự quyết định vận mệnh của mình.

Lãnh đạo khu vực người Kurd tự trị ở Iraq Massoud Barzani hôm 3/7 cho biết, chính quyền khu vực sẽ thành lập một ủy ban bầu cử độc lập và ấn định ngày tiến hành trưng cầu dân ý. Trên cơ sở kết quả trưng cầu dân ý, người Kurd sẽ tuyên bố thành lập nhà nước riêng của mình. 

Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi người Kurd và người Sunni tẩy chay phiên họp Quốc hội hôm 1/7 khi người Shiite không thể bầu ra Thủ tướng mới thay thế ông Maliki.

Yêu cầu này của người Kurd đã khiến chính phủ Baghdad không khỏi nổi giận. Thủ tướng Maliki đã gọi tuyên bố trên là vi hiến và yêu cầu người Kurd không lợi dụng tình hình hỗn loạn hiện nay để trục lợi riêng.

Trong nỗ lực thúc đẩy đoàn kết dân tộc ở Iraq, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 3/7 đã có cuộc hội đàm với ông Barzani trong đó nhấn mạnh rằng người Kurd có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính phủ Iraq mới.

Người Kurd từ lâu đã khao khát độc lập và tình hình hiện nay ở Iraq có thể được xem là một cơ hội vàng đối với họ, Reuters nhận định. 

Theo đánh giá ban đầu của các cố vấn quân sự Mỹ được triển khai tới Iraq, nguy cơ Iraq bị chia cắt rất cao do lực lượng an ninh nước này hiện có thể bảo vệ được thủ đô Baghdad, nhưng sẽ rất khó có thể tiến hành hoạt động quân sự lấy lại các vùng đất đã bị chiếm. Nguyên nhân chủ yếu là do yếu kém về hậu cần. 

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey phát biểu tại Lầu Năm Góc hôm 3/7 rằng "tương lai của người Iraq sẽ khá ảm đạm" nếu không giải quyết được sự chia rẽ bè phái trong chính phủ. 

"Họ không sụp đổ khi đối mặt với một cuộc chiến mà họ sụp đổ khi đối mặt với tương lai không có bất kỳ hy vọng nào cho họ", tướng Dempsey nhận định.

Người Kurd, người  Sunni và thậm chí cả người Shiite cũng đã yêu cầu Thủ tướng Maliki bước sang một bên như nỗ lực đầu tiên để kết thúc khủng hoảng tại Iraq./.

Nguyễn Hường