Công tơ điện cả một xóm ở Sóc Sơn "biến động lớn"
Liên quan đến việc hàng trăm khách hàng phản ánh về tình trạng hóa đơn tiền điện tháng 6/2014 bất ngờ tăng gấp 3-4 lần so với những tháng trước, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 7/2014, lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đưa ra câu trả lời.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sản lượng điện tăng là những ngày tháng 5 đến đầu tháng 6, Hà Nội đã có những đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện để làm mát của khách hàng tăng vọt cả ban ngày lẫn ban đêm, trong đó điều hòa khách hàng sử dụng lên tới trên 10h mỗi ngày.
Ảnh minh họa. |
Như vậy, khi nhiệt độ chênh lệch cao giữa trong nhà và ngoài trời, các thiết bị điện sẽ luôn hoạt động với công suất tối đa, ít ngắt điện hơn trong suốt thời gian sử dụng. Việc này dẫn dến tình trạng bất thường như một số hộ dân gặp phải: cùng sử dụng điều hòa nhiệt độ trong cùng một thời gian nhưng các tháng trước sản lượng điện tiêu thụ ít hơn.
“Riêng tháng 6/2014 tổng số khách hàng sinh hoạt của Hà Nội có sản lượng tăng 1,5 lần so với tháng 5 là 686.336 khách hàng. Số khách hàng sinh hoạt có sản lượng điện tiêu thụ tăng 2 lần so với tháng 5 là 347.961 khách hàng”, ông Trung cho biết.
Riêng trường hợp cả một xóm ở Sóc Sơn, Hà Nội chỉ số công tơ đều biến động lớn so với tháng trước, sau khi người dân phản ánh, EVN Hà Nội kiểm tra thì phát hiện hai công nhân ghi tiền điện đã… ước đoán để ghi số, chứ không đi kiểm tra thực.
Ông Nguyễn Quang Trung công nhận điện lực địa phương đã thiếu trách nhiệm, khẳng định đã đình chỉ công tác hai nhân viên này và sẽ xử lý kỷ luật.
Toàn dân tự chốt công tơ để... giám sát ngành điện
Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 4887/QĐ-BCT quy định về khung giá điện mới, theo đó kể từ ngày 1/6/2014 giá điện được chia thành 6 bậc thang: Từ 0 - 50 kWh là 1.388 đồng/kWh; từ 51 - 100 kWh là 1.433 đồng/kWh; từ 101 - 200 kWh là 1.660 đồng/kWh; từ 201 - 300 kWh là 2.082 đồng/kWh; từ 301 - 400 kWh là 2.324 đồng/kWh và từ 401 kWh trở lên là 2.399 đồng/kWh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 100% đơn khiếu nại về giá điện tăng, thì có tới 72% đơn là của các hộ dùng trên 400 kWh, 28% khiếu nại là từ các hộ dùng từ 100 - 400 số điện và không có hộ nào nào dùng dưới 100 số. Nếu dùng dưới 100 kWh thì giá điện sẽ thấp, tuy nhiên với khi dùng quá 400 kWh giá điện sẽ tăng hơn. Do đó có thể nói, việc tính giá điện là nghiêm túc.
Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Từ 1/6, Bộ Công Thương có thay đổi biểu giá điện chứ không phải tăng giá, tuy nhiên thời gian sắp tới không chỉ điện mà xăng dầu sẽ được tính theo cơ chế thị trường, sát với giá thị trường hơn để đảm bảo có lợi cho người tiêu dùng. Do từ trước đến nay, các mặt hàng trên thường bán dưới giá thành”.
Trả lời câu hỏi về việc cần một cơ quan độc lập thực hiện việc ghi hóa đơn chốt công tơ để đảm bảo công bằng khách quan, ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho hay: Việc kiểm tra chốt chỉ số công tơ của thành phố được phân cấp cho các Sở Công Thương. Tuy nhiên, theo ông Phúc, ngoại trừ Hà Nội, TP. HCM có khoảng một chục người làm nhiệm vụ rà soát này, còn lại các tỉnh khác chỉ có vài ba người, do đó cần khách hàng trực tiếp giám sát.
"Đề nghị toàn dân tham gia vào việc giám sát ngành điện thông qua việc chốt chỉ số công tơ. Đến ngày chốt, khách hàng có thể tự xem xét lại chỉ số công tơ của mình", ông Phúc cho hay.