Đề Địa gây sự thích thú
Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, thi khối C em Tống Văn Đức cho biết, đề Địa lý với dạng mở, khá phù hợp với kiến thức của học sinh hiện nay, đặc biệt cho vấn đề biển đông vào trong đề sẽ giúp thí sinh tìm hiểu và nắm bắt tình hinh đất nước tới đâu.
Đức cũng cho biết, cho dù không thi em vẫn chủ động xem thời sự, đọc báo, nghe đài về tình hình biển đông. “Với đề sáng nay em được bày tỏ ý kiến, quan điểm về vấn đề biển đông” Đức nói.
Đối với câu hỏi trong đề: “Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng”, Đức cho biết, em làm câu này trong khoảng 15 phút với nội dung: “Việc ngư dân đánh bắt hải sản trên hai quần đảo này đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam, với việc đánh bắt như vậy dân và quân ở hai quần đảo này sẽ vững tin để bảo vệ lãnh thổ”.
Thí sinh dự thi tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh Xuân Trung |
Chia sẻ thêm, Đức cho hay câu này ra theo đúng nguyện vọng của em và Đức muốn có được những câu hỏi như thế này để em được bày tỏ. Môn Địa Đức dự tính được khoảng 8 điểm.
Cùng ý kiến, em Trần Thị Khánh Huyền, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết, em cũng không bất ngờ về đề Địa lý sáng nay, với phần biển đảo Huyền ôn không tập trung nhiều nhưng vẫn làm được.
“Em ôn đàn đều, không tập trung vào vấn đề gì và như vậy mình sẽ chủ động hơn.” Huyền nói.
Đối với câu 1 về biển đảo, Huyền cho biết làm câu này để nói lên khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, ngư dân tự do đánh bắt, người dân đánh bắt cá trên hai quần đảo này cũng là môt lời tự khẳng định rằng đây là chủ quyền của Việt Nam.
Đối với câu 1 này, Huyền làm trong 15 phút và đề ra mở nên mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, có em làm dài là ngắn.
Hơn 575 nghìn thí sinh bước vào môn thi đầu tiên đại học đợt II
Đến từ thành phố Bắc Giang, em Đặng Phụng Nhi cho biết, đề Địa sáng nay tương đối dễ, đề năm nay hầu như câu nào cũng liên quan đến biển đông. Đối với câu hỏi 1 về “đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, đây là vấn đề rất nóng hiện nay.
Với câu này Nhi cho biết, em vạch ra các ý gồm: Để khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia, tiêp nối truyền thống đánh bắt của ngư dân. Nhi làm câu này trong khoảng 5 phút. Dự định của Nhi được khoảng 9 điểm với môn Địa sáng nay.
Cũng tại trường ĐH Luật Hà Nội, sau khi hết 2/3 thời gian làm bài đã có nhiều thí sinh hoàn thành bài thi và ra sớm.
Em Lường Duy Khánh ở Lai Châu thi vào ngành Luật Dân sự trường ĐH Luật Hà Nội cho biết đề thi năm nay khá dễ. Không có phần chung phần riêng như những năm trước. Đề thi không đánh đố thí sinh và có hai câu liên quan đến vấn đề biển đảo. “Đây là phần em nghĩ sẽ có trong đề thi nên đã chuẩn bị rất kỹ. Em khá tự tin với bài làm của mình và dự đoán sẽ được 7-8 điểm” – Khánh cho biết.
Thi cùng trường, em Nguyễn Hương Giang dự thi vào trường ĐH Luật Hà Nội, chia sẻ đề thi năm nay gắn với vấn đề thời sự. “Em rất thích thú với dạng đề kiểu này vì nó giúp phát triển tư duy và năng lực phân tích vấn đề của học sinh. Em hoàn thành bài thi cũng khá tốt, hy vọng sẽ được điểm cao” – Giang vui mừng tâm sự.
Trường Sa, Hoàng Sa trong trái tim em
Tại địa điểm thi vào Trường Đại học Công Đoàn ở Trường Trung cấp Công đoàn, chưa hết thời gian 180 phút thi môn Địa lý, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm, gương mặt khá thoải mái.
Theo nhận định chung của các thí sinh, đề thi Địa lý có bốn câu không khó, bám sát chương trình sách giáo khoa, có những ý hỏi mở khá thú vị.
Thí sinh Chu Thị Mai (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Đề Địa khá dễ, em làm xong trước thời gian, nhưng ngồi kiểm tra và bổ sung lại bài cho đầy đủ. Câu hỏi vẽ biểu đồ dễ, em chọn biểu đồ đường để vẽ. Khoa em năm trước lấy 18 điểm, với môn Địa vừa xong em nghĩ được 7 điểm”.
Sĩ tử Hà Nội đội mưa đến địa điểm đăng ký dự thi
Cùng nhận xét với Mai, thí sinh Thùy Linh (Việt Trì, Phú Thọ) đăng ký thi Khoa Luật chia sẻ: “Em thấy đề bình thường, bám sát những gì em được học. Câu hỏi mở trong ý 1 câu 1 có nói về ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng, em viết khá tốt, tại em cũng nghe nói nhiều tin tức trên thời sự, sách báo thời gian gần đây.
Em nhấn mạnh vào ý nghĩa khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, nghề đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của ngư dân ta, đánh bắt trên vùng biển của đất nước là bảo vệ tổ quốc, mỗi ngư dân là chiến sĩ trên mặt biển”.
Ra trước thời gian thu bài, Hoàng Văn Kiên (Thanh Hóa) vui vẻ cho biết: “Câu hỏi mở trong câu 1 em dành 1 trang giấy để viết. Đề không quá khó với em, em làm khá tốt. Việc kể tên bố nhà máy thủy điện em nghĩ bạn nào cũng có thể làm được, em có nhắc đến nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Yaly, Thác Bà. Đó đều là những nhà máy lớn ở nước ta nên em có thể nhớ được”.