UBND TP Hà Nội đề nghị mức tăng được xác định với bệnh viện hạng I là từ 80% lên100%; Bệnh viện hạng II từ 75% lên 95%; Bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; Trạm y tế từ 65% lên 85%. Việc tăng giá 1.348 dịch vụ khám chữa bệnh được xác định ở 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, qua 8 năm (2006-2014) giá cả thị trường đã có nhiều biến động, tác động đến chi phí đầu vào của giá dịch vụ.
Hiện nhiều bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn TP áp dụng mức tối đa (100% mức giá trần) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT, như vậy trên một địa bàn, cùng một kỹ thuật nhưng có 2 mức giá khác nhau, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện bộ, ngành.
Thứ hai, có 135 dịch vụ kỹ thuật có tên trong Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 13/12/2013 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/2/2014 đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá trong Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội TP chưa có cơ sở để thanh quyết toán.
Thứ ba, một số bệnh viện hạng 2 của TP có chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao (thuộc tuyến bệnh viện hạng 1 và tuyến trung ương), nhưng không được áp dụng mức giá dịch vụ của bệnh viện hạng 1, trong khi chi phí đầu vào như nhau dẫn tới thu không đủ bù chi.
Hà Nội tăng giá 1.348 dịch vụ khám chữa bệnh. |
UBND TP Hà Nội cho rằng, mục tiêu ban hành điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, từng bước đảm bảo nguồn thu, chi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP Hà Nội.
Tờ trình của UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, việc điều chỉnh bổ sung một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không tạo ra tác động tiêu cực lên khía cạnh kinh tế và tâm lý xã hội, vì các bệnh viện trung ương, bệnh viện Bộ, ngành trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận đã tăng giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, nhưng không gây biến động tâm lý xã hội; Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được mở rộng đối tượng tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân, chi phí khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT được cơ quan Bảo hiểm xã hội đảm bảo.
Trước đó, vào tháng 6/2013, UBND TP đã điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong đó, điều chỉnh giá 5 dịch vụ khám bệnh; kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ ngày giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật trong 447 dịch vụ kỹ thuật quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính; giá của 333 phẫu thuật, thủ thuật; đồng thời, quy định tạm thời mức giá cho 99 dịch vụ kỹ thuật khác.
Việc tăng giá viện phí luôn là vấn đề khá nhạy cảm với đời sống an sinh của người dân. Song song với việc tăng giá khám chữa bệnh, liệu các cơ quan khám chữa bệnh có đảm bảo nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh hay không thì vẫn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong buổi thảo luận chiều nay, không có đại biểu nào đề cập tới vấn đề này.
Còn nhớ, vào tháng 9/2013, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ rõ: “Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn…”.
Trước thực trạng chất lượng khám chữa bệnh ở nhiều nơi quá yếu, y đức xuống cấp trầm trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nói thẳng: “Nếu có tiền thì người ta sẽ đi theo hướng dịch vụ chứ việc gì phải mua BHYT để rồi bị hành? Tôi phải nói thật là người dân bị hành. Thực tế là phải chờ rất lâu mới được thanh toán bảo hiểm, rồi thì quy định khám chữa bệnh phải theo tuyến, trái tuyến lại phải chi trả… do đó thực tế là không bắt buộc được”.