"Vỗ mặt" Vinaconex, TP.Hà Nội làm đường dẫn nước sông Đà... 60 ngày

15/07/2014 09:31
Hồng Minh
(GDVN) - Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, bình quân mỗi ngày một đội thi công có thể làm 500m, như vậy toàn tuyến 30km có thể làm xong trong 60 ngày...

TP.Hà Nội hoàn toàn mất niềm tin với Vinaconex

Sau hàng loạt sự cố vỡ đường ống dẫn nước từ Sông Đà về Hà Nội do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân tại nhiều quận, huyện... UBND TP.Hà Nội đã có cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành. 

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Không thể để người dân trong phải phụ thuộc đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn xảy ra sự cố vỡ như vậy.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã dứt khoát: Thành phố hết kiên nhẫn với Tổng Công ty CP Vinaconex, không thể chờ được đơn vị này khởi công tuyến ống mới; đồng thời không thể để đơn vị này tiếp tục "đùa" với cuộc sống của người dân.

Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà (Ảnh nguồn VOV).
Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà (Ảnh nguồn VOV).

Cũng trong cuộc họp, TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Công ty nước sạch Hà Nội, các đơn vị liên quan, tập trung tối đa nguồn lực để chủ động có giải pháp mới cung cấp nước sạch ổn định phục vụ nhân dân. Cụ thể, thành phố quyết định đầu tư khẩn cấp tuyến ống thứ hai để bảo đảm cấp nước ổn định cho nhân dân. 

Lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố. Sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 công suất còn thừa hiện nay của Nhà máy Nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy Nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư. 

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, tuyến ống dẫn nước sông Đà dài 47km trong đó 20km đầu từ nhà máy về đến Quốc lộ 21 có địa hình ổn định nên không có sự cố. Trong khi 9 lần vỡ ống đều xảy ra ở đoạn chạy trên Đại lộ Thăng Long. Do đó, ông Dục đề nghị làm khoảng 30km ống mới từ Quốc lộ 21 về đến Vành đai 3, chạy nổi song song với tuyến đường ống cũ.

Về phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên tiến độ phải 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai ngay.

60 ngày thi công 30km đường ống dẫn nước: Có khả thi?

Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, với phương án sử dụng ống gang, chôn tối thiểu ở độ sâu 1m, bình quân mỗi ngày một đội thi công có thể làm 500m. Như vậy, toàn tuyến 30km có thể làm xong trong 60 ngày.

Tuy nhiên, đưa ra quan điểm về kế hoạch này, một kỹ sư tham gia Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho rằng, sẽ rất khó để hoàn thành đường ống nước dài gần 30km chỉ trong vòng 60 ngày.

Vị kỹ sư này phân tích, khi bắt tay vào dự án xây dựng đường ống nước mới, chủ đầu tư đơn vị thi công có thuận lợi không phải tiến hành xử lý mặt bằng, tuy nhiên việc thi công trên một công trình xây dựng đã có sẵn vì thế chủ đầu tư, đơn vị thi công cần phải có thời gian xem xét thiết kế, xem xét hệ thống ngầm tại các khu vực có đường ống nước đi qua. 

“Chủ đầu tư đơn vị thi công phải tính toán làm sao để tránh hệ thống ngầm như hệ thống thoát nước ngang, thoát nước dọc trên đường, hệ thống cống hộp với hàng trăm chiếc, các hầm chui, cầu vượt… phải thiết kế hệ thống đóng cọc vượt qua các con sông như sông Tích, sông Đáy như thế nào? Tóm lại sẽ có rất nhiều khó khăn chứ không dễ dàng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần tính đến tác động của thời tiết, do vậy 60 ngày để hoàn thành cả hệ thống là khó khả thi”, kỹ sư này cho biết.

Vị kỹ sư cũng cho hay, nền đất đặt hệ thống đường nước sạch mới ổn định hơn do nằm trên nền đường cũ trước đây, cùng với việc sử dụng ống nước làm bằng vật liệu mới chắc chắn hơn là gang hoặc thép sẽ mang lại hiệu quả và độ bền lớn hơn.

“Việc thành phố chủ trương xây dựng đường ống mới là hết sức cần thiết và hợp lý nhưng quan trọng lúc này là bao giờ dự án đi vào thực hiện và hoàn thành đi vào sử dụng”, vị kỹ sư này kết luận.

Dự án xây dựng đường ống nước sạch mới này, TP Hà Nội sẽ giao Sở Xây dựng sẽ chủ trì, đồng thời làm chủ đầu tư, cùng các đơn vị liên quan lên phương án để sớm triển khai thực hiện dự án. Đây được xem là phương án tình thế, sau khi xây dựng xong đường ống nước mới sẽ giúp giảm tải cho đường ống nước của Vinaconex.

Trong khi đó dự án nâng cấp Nhà máy nước sạch sông Đà và việc xây dựng tuyến đường ống số hai của nhà máy này, Công ty Vinaconex sẽ vẫn tiếp tục triển khai bình thường. 

Hồng Minh