Tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (15/7), Tổng giám đốc Vinaconex – ông Vũ Quý Hà cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa lĩnh vực cấp nước, Vinaconex đã đầu tư dự án theo hình thức BOO, xây dựng hệ thống chuỗi cấp nước Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông với tổng chiều dài 45,8km, công suất thiết kế giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm.
Dự án sử dụng vật liệu mới cho tuyến ống truyền tải nước sạch là ống composite cốt sợi thủy tinh với các loại đường kính 1,5m – 1,6m – 1,8m do Công ty CP Sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất.
Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 8/2008, cung cấp 220 đến 240 nghìn m3/ngày đêm cho hơn 70 nghìn hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội (chiếm khoảng 30% tổng lượng nước sạch của toàn Hà Nội).
“Nguyên nhân đường ống bị vỡ nhiều lần là do chất lượng ống chưa đồng đều, quá trình vận chuyển lắp đặt cũng gây tác động bất lợi tới khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến chất lượng ống. Bên cạnh đó, việc thi công xây dựng vận hành Đại lộ Thăng Long cũng tác động lên chất lượng ống, lưu lượng xe qua lại tuyến đường này lớn cũng gây ảnh hưởng nhất định, chưa kể vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể bị suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian. Trong khi đó ở đoạn ngã ba Hòa Lạc về Hòa Bình thì chỉ bị một lần duy nhất do thi công công trình”, ông Hà cho biết.
Tổng Giám đốc Vinaconex - ông Vũ Quý Hà xin lỗi nhân dân Thủ đô sau sự cố vỡ đường ống dẫn nước lần thứ 9. Ảnh: Ngọc Quang. |
Thông tin ông Hà đưa ra trùng khớp với kết luận của Bộ Xây dựng về sự cố 9 lần vỡ đường ống dẫn nước, đó là: Không đảm bảo một số chỉ tiêu cơ lý, không có cuộc thí nghiệm nào chứng minh độ bền của đường ống. Khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện xung quanh đường ống còn có những tảng đá, bê tông chèn lấp; một số đoạn có hầm chui dân sinh, qua kiểm tra còn không có tấm đan bảo vệ dàn tải phía trên mặt ống... Điều đó cho thấy công tác thi công, giám sát và vận hành đều có những dấu hiệu buông lỏng quản lý.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đường ống chất lượng xuất phát từ việc Vinaconex lựa chọn nhà thầu năng lực yếu, đơn vị giám sát thiếu năng lực và trách nhiệm nên mới xảy ra tình trạng hiện nay. Và sau 9 lần xảy ra vỡ đường ống thì dư luận có quyền đặt ra câu hỏi: Phải chăng nhà thầu và giám sát đã bắt tay nhau để lắp đặt một cách tùy tiện hệ thống dẫn nước?
Sự cố vỡ đường dẫn nước xảy ra quá nhiều lần và lúc này ngoài chuyện khắc phục tạm thời các nguồn nước dự phòng để nhân dân sử dụng, dư luận đã liên tục đặt ra câu hỏi trách nhiệm với cá nhân và đơn vị thuộc Vinaconex đã để xảy ra sự cố này. Ông Vũ Quý Hà cho biết: “Trước hết, tôi muốn nói lời xin lỗi với nhân dân vì chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò như nhân dân mong đợi. Sau khi kiểm điểm, trách nhiệm ở đâu sẽ xử ở đó, nhưng việc xử lý kỷ luật cán bộ cũng phải tiến hành một các thận trọng và khách quan, đảm bảo thấu tình đạt lý. Còn về phía công ty, chúng tôi khẳng định sẽ xử lý nghiêm các sai phạm. Chúng tôi là doanh nghiệp cổ phần nên mọi việc đều phải hết sức minh bạch, nếu cổ đông nhận thấy chúng tôi điều hành không đủ năng lực, hiệu quả thì có quyền đề xuất cách chức".
Trước câu hỏi: Vì sao Vinaconex lại lựa chọn công nghệ Trung Quốc để sản xuất ống dẫn nước? Ông Hà trả lời: “Máy móc là của Trung Quốc nhưng chúng tôi quản lý theo tiêu chuẩn của Mỹ".
Đây là một công trình được coi là trọng điểm của Vinaconex vào năm 2008, với số vốn đầu tư lên tới 1500 tỷ đồng, nhưng cho tới nay thì không ai dám chắc liệu đường ống này còn vỡ bao nhiêu lần nữa?
Rất nhiều gia đình đã phải đi mua nước về dùng, kéo theo sự bức xúc kéo dài nhất là trong những ngày nắng nóng vừa qua. Trước câu hỏi: Vinaconex có tính tới việc đền bù thiệt hại cho người dân không? Ông Vũ Quý Hà không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà nhắc lại: "Chúng tôi rất tiếc và ân hận trong việc gây sự phiền hà cho người dân. Khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã phát động cả hệ thống chính trị, cả công ty để khắc phục sửa chữa sự cố".