Học giả Đài Loan xấc xược: May cho Việt Nam là Biển Đông có bão?!

17/07/2014 07:08
Hồng Thủy
(GDVN) - Giang Xuân Nam cho rằng Bắc Kinh đang lặp lại thủ đoạn của Đặng Tiểu Bình về cái gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Giang Xuân Nam.
Giang Xuân Nam.

Tờ Apple Daily Đài Loan ngày 17/7 đăng bài phân tích của Giang Xuân Nam, một nhà bình luận thời sự đảo này về việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam với nhiều lời lẽ ngông cuồng, trịch thượng.

Theo ông Nam, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ rút giàn khoan không phải vì "nhân tố bên ngoài", nhưng cộng đồng mạng Trung Quốc vẫn cho rằng trong vụ này Bắc Kinh phải chịu áp lực quá lớn từ Washington "khiến tiểu Việt Nam đắc lợi", một giọng điệu cực kì ngạo mạn, miệt thị láng nước khác.

Giang Xuân Nam cho rằng, trên thực tế tháng 7 là thời gian bước vào mùa mưa bão nên giàn khoan 981 căn bản không thể tác nghiệp (bất hợp pháp) ở Biển Đông, nếu không kéo đi sẽ rất nguy hiểm. Chính hành động (phi pháp) của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 đã kích thích làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam, đẩy ASEAN về phía Mỹ - Nhật và càng làm rõ thêm mối uy hiếp trừ Trung Quốc, rất bất lợi về mặt ngoại giao.

Về mặt lý luận, theo Giang Xuân Nam, diễn biến tiếp theo của vụ giàn khoan 981 có 5 khả năng: Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực ngăn cản và sẽ không rời khỏi vị trí (thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam); Không quay lại khai thác (bất hợp pháp); Sau khi rút, đợi thời cơ thích hợp sẽ khai thác; Đàm phán hợp tác khai thác chung với Việt Nam; Trung Quốc không đủ trình độ kỹ thuật hoặc khu vực này không có giá trị khai thác thương mại.

Lựa chọn sử dụng vũ lực "dù được đại đa số cộng đồng internet Trung Quốc (bị nhồi sọ về yêu sách chủ quyền phi lý) mong đợi, nhưng khả năng không lớn" vì Việt Nam chắc chắn không chịu thỏa hiệp và ASEAN sẽ cùng chống lại, cái gọi là con đường tơ lụa Biển Đông mà Trung Quốc đề xuất có nguy cơ biến thành mây khói.

Giàn khoan 981 và các tàu hộ tống đã được kéo về đảo Hải Nam.
Giàn khoan 981 và các tàu hộ tống đã được kéo về đảo Hải Nam.

Trung Quốc phản đối "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông", kiên quyết tìm mọi cách ngăn cản vụ kiện của Philippines và chặn Việt Nam làm điều tương tự. Gần đây hôm 11/6 Trung Quốc gửi một số văn kiện lên Liên Hợp Quốc để khẳng định (cái gọi là) yêu sách chủ quyền đối với "quần đảo Tây Sa", tức Hoàng Sa của Việt Nam, bao gồm công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay sách giáo khoa, bản đồ địa lý. Giang Xuân Nam cho rằng những tài liệu này giá trị pháp lý không cao, Việt Nam rất dễ đối phó.

Bình luận cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Giang Xuân Nam cho rằng Bắc Kinh đang lặp lại thủ đoạn của Đặng Tiểu Bình về cái gọi là "dạy cho Việt Nam một bài học". Cũng giống như Đặng Tiểu Bình cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam (bị đánh cho tan tác) nhưng sau 1 tháng tuyên bố "thắng lợi, rút quân". Giàn khoan 981 cũng có thủ đoạn tương tự, nhưng lần này là ông Tập Cận Bình.

Hôm qua 16/7, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng xác nhận nước này dịch chuyển giàn khoan 981 về phía đảo Hải Nam, nhưng tiếp tục luận điệu khẳng định cái gọi là "chủ quyền Tây Sa, phản đối Việt Nam gây rối". Việc kéo giàn khoan 981 về theo ông Lỗi là sự vụ nội bộ, theo kế hoạch, không liên quan tới nhân tố bên ngoài nào.

Nhận định về động thái này của Bắc Kinh, Times of Iindia ngày 17/7 cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan 981 về đảo Hải Nam chỉ làm giảm nguy cơ trước mắt của 1 bế tắc hải quân trên Biển Đông, nhưng về lâu dài sẽ khó hàn gắn quan hệ 2 nước. Kéo giàn khoan 981 về không có nghĩa là Trung Quốc từ bỏ tham vọng bành trướng Biển Đông.

Phản ứng trước động thái trên hôm Thứ Tư, Mỹ đã bày tỏ hoan nghênh việc Trung Quốc kéo giàn khoan 981 về đảo Hải Nam sau 2 tháng gây căng thẳng với Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói: "Vụ giàn khoan 981 đã nêu bật sự cần thiết cho các bên ở Biển Đông làm rõ yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế để đạt được một sự hiểu biết chung về hành vi và hoạt động phù hợp trong khu vực tranh chấp". Thực tế là vị trí Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan là vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và không hề có tranh chấp - PV.

Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng, dù sao vụ giàn khoan 981 vẫn để lại hậu quả chính trị. "Đó là sự ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận tại Việt Nam để ngăn chặn một hành động pháp lý chống lại (hành động phi pháp của) Trung Quốc, ngăn chặn Việt Nam đẩy mạnh hợp tác an ninh với Hoa Kỳ".

Hồng Thủy