Tại phiên làm việc thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị chương trình kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải báo cáo rõ về số tiền cho đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ sẽ có hai nội dung được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13:
Thứ nhất là Quốc hội nghe thảo luận tổng thể về việc thực hiện chủ trương của Trung ương, của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Bây giờ thực hiện thế nào, các ĐBQH cho ý kiến.
Thứ hai là Quốc hội thảo luận ban hành Nghị quyết về chương trình - sách giáo khoa.
“Nhưng khi đưa ra Quốc hội mà không nói gì đến chuyện kinh phí là không được đâu, nói như anh Luận ở hội trường là không xong. Không có cái đề án nào mà không có tiền. Nếu đề án không có con số kinh phí, chắc cũng sẽ phải gác lại. Tóm lại ra Quốc hội thông qua nghị quyết là phải nói bao nhiêu tiền, không nói cái đó là không được, phải chuẩn bị”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Với tuyến bố này của Chủ tịch Quốc hội thì dù không muốn Bộ Giáo dục cũng không thể né tránh công khai ngay từ đầu khoản kinh phí phục vụ đổi mới chương trình – SGK phổ thông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải báo cáo rõ kinh phí đổi mới chương trình - sách giáo khoa. Ảnh: TTO. |
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc sáng 14/4, ông Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày về đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa với khoản kinh phí lên tới hơn 34 nghìn tỷ đồng. Ngay lập tức đề án này bị tất cả chủ nhiệm các ủy ban của Thường vụ Quốc hội “mắng té tát”.
Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói: “Tôi hoang mang chưa thấy cái mới là cái gì? Nói nhiều về SGK rồi, giờ quyết tâm đột phá là cái gì? Khó mới yêu cầu Bộ giáo dục làm, dễ thì không cần”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý cũng đặt vấn đề: "Ai viết báo cáo tác động chỉ có 2,5 trang? Chúng ta cứ đổi mới mãi. Làm gì phải tương xứng vì 2 tỷ USD không phải là nhỏ, chứ không phải lần nào trình ra Quốc hội xin đổi mới rồi cứ loay hoay, mà cần làm đầy đủ hơn. Năm 2000 ban hành Nghị quyết 40 về đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Vậy kết quả thực hiện Nghị quyết 40 được gì? Giờ sửa mới thì ra sao? Nếu không trả lời được thì luôn đổi mới mà không ổn định".
Sau đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã lên truyền hình lý giải rằng số tiền trên không phải là quan điểm của Bộ Giáo dục mà chỉ là ý kiến của một số nhóm chuyên gia. Bộ Giáo dục cũng xin rút đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa để làm lại và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Quan liêu, thiếu thực tế hay rảnh việc đi vẽ...Voi?
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13 vừa qua, Bộ trưởng Luận một lần nữa biện minh: “Con số này là do một đồng chí lãnh đạo cấp vụ của bộ ngồi phía sau trao lên cho đồng chí Thứ trưởng trong 1 tờ giấy. Thưa QH, thưa các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước thông cảm cho, anh em dự một cuộc họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy nên em anh em bị khớp nên đã đọc con số đó, chứ con số đó bộ chưa có bàn bạc gì cả. Sau đó lại tổ chức họp báo để nói lại về việc đó, ý tứ là chúng tôi nói 34.000 tỉ là để làm nhiều việc khác, nhưng báo chí lại nói rút gọn lại là 34.000 tỉ để làm SGK. Bộ nói để giải thích ý đó nhưng cũng lại chưa giải thích đầy đủ, chưa gãy góc nên nhân dân nghĩ rằng con số 34.000 tỉ đó là đúng. Ở đây có cái lỗi kỹ thuật, sai sót”.
Bộ trưởng đã nói rất thật về cái “phao” mà Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển được cấp dưới đưa cho. Nhưng hóa ra đó là cái “phao” xịt!
Vậy tại sao một đề án lại không nhắc tới kinh phí? Ông Luận lý giải: “Vào năm 2000, Quốc hội khóa X đã bàn và ra Nghị quyết số 40 về chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Đến năm nay thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương chúng ta cũng triển khai việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong khuôn khổ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Chúng tôi nghiên cứu thấy rằng không có văn bản pháp luật nào nói về việc này, anh em thảo luận và đề xuất với Thủ tướng là theo cách làm của Quốc hội khóa X, tiền lệ làm là như vậy. Trong Nghị quyết 40 của Quốc hội Khóa X không có vấn đề kinh phí, do vậy hồ sơ Bộ Giáo dục và Đào tạo trình không có vấn đề kinh phí”.
Ngay sau khi nghe trả lời của Bộ trưởng luận, ĐBQH Dương Trung Quốc đã nói thẳng: “Bộ trưởng trả lời như vậy thì ĐBQH chúng tôi rất hoang mang không biết bao giờ thì đổi mới chương trình-SGK xong, mà nhiệm kỳ của cả Quốc hội lẫn Bộ trưởng sắp xong rồi. Những việc đó gây mất lòng tin cho nhân dân. Mặc dù chúng ta ghi nhận là giáo dục thời gian qua đã có những thay đổi, nhưng với giáo dục, chúng ta đang đòi hỏi phải có những đổi mới cấp bách. Bộ trưởng không chỉ nói về bản thân mà nói cả về bộ máy của mình. Tốt nhất là Bộ trưởng nhận lỗi của mình. Còn sau đó Bộ trưởng xử lý cấp dưới của mình như thế nào thì chúng ta không bàn”.