Hiện trường nơi chiếc MH17 của Malaysia Airlines "bị bắn hạ". |
Reuters ngày 18/7 đưa tin, chính quyền Ukraine đã cáo buộc lực lượng nổi dậy đòi ly khai ở Đông Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay chở khách Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines làm 295 người thiệt mạng bằng một tên lửa đất đối không SA-11 thời Liên Xô khi đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur.
Các nhà lãnh đạo của "Cộng hòa Nhân dân Donesk" phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào của họ đối với thảm họa này, mặc dù thừa nhận trong khoảng thời gian đó lực lượng ly khai Đông Ukraine đã bắn hạ 1 máy bay vận tải Ukraine nhưng bé hơn nhiều, đó là chiếc thứ 3 bị bắn hạ trong tuần này.
Quy mô quá lớn của thảm họa có thể tạo ra một bước ngoặt áp lực quốc tế đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống thân Nga Vicktor Yanukovich hồi tháng 2 và Nga sáp nhập Crimea 1 tháng sau đó.
Phóng viên Reuters đã chứng kiến đám cháy và đống đổ nát còn lại mang logo của hãng Malaysia Airlines và hàng chục thi thể nằm rải rác gần làng Harbove, cách biên giới Nga gần 40 km.
Mặc dù bắn hạ một số máy bay quân sự Ukraine trong khu vực những tháng gần đây, bao gồm 2 chiếc trong tuần này mà Kiev cáo buộc lực lượng Nga tham gia trực tiếp, tuyến hàng không quốc tế đi qua đây vẫn mở cửa.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông đang cố gắng xác định xem có công dân Mỹ nào trên chiếc MH17 khi nó gặp nạn hay không. Ông cũng điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và cảnh báo Washington sẽ trừng phạt tiếp nếu Moscow không thay đổi chính sách trong vấn đề Ukraine.
Hiện trường vụ máy bay MH17 bị bắn hạ. |
MH17 bị rơi ở độ cao 10 ngàn mét, khoảng cách này vượt xa ngoài tầm bắn của các loại tên lửa nhỏ phe ly khai Đông Ukraine sử dụng để hạ các máy bay trực thăng, máy bay quân sự của chính phủ Kiev, nhưng không phải hệ thống SA-11 mà một quan chức Ukraine cáo buộc Nga cung cấp cho quân nổi dậy.
"Tôi đang làm việc với chiếc máy kéo của mình thì nghe thấy âm thanh của 1 chiếc máy bay, và sau đó là một tiếng nổ lớn. Sau đó tôi nhìn thấy chiếc máy bay rơi xuống đất và gãy làm đôi, khói đen bốc lên dày đặc", một người đàn ông địa phương nói với Reuters.
"MH17 không phải một sự cố hay 1 thảm họa, đó là một cuộc tấn công khủng bố", Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố. Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko thì nói rằng: "Đúng lúc này những kẻ khủng bố sử dụng 1 hệ thống tên lửa phòng không Buk được Putin cho chúng và bắn rơi 1 máy bay dân sự từ Amsterdam đến Kuala Lumpur".
Buk có nghĩa là cây sồi ở Nga là tên gọi hệ thống tên lửa có radar dẫn đường với bệ phóng gắn trên xe tải, có mã là SA-11 Gadfly có khoang động cơ dài 5,7 mét mang đầu đạn 55 kg và tầm bắn 28 km.
Gerashchenko đã chỉ trích đích danh Putin: "Không có gì nghi ngờ về Putin và hành động khủng bố của ông ta. Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada và thế giới văn minh hãy mở mắt ra, giúp chúng tôi bằng bất cứ cách nào bạn có thể. Đây là một cuộc chiến tranh cái thiện chống lại cái ác".
Vụ việc là hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. |
Igor Strelkov, một lãnh đạo phe nổi dậy cho biết họ không có vũ khí nào có thể bắn hạ 1 chiếc máy bay ở độ cao 10 km. Ông viết trên trang mạng xã hội của mình nửa giờ trước khi MH17 mất liên lạc với mặt đất rằng lực lượng ly khai đã bắn hạ 1 chiếc Antonov An-26 trong cùng 1 khu vực MH17 bị rơi. Đó là 1 chiếc máy bay vận tải quân sự Ukraine. Quân đội nước này hiện chưa đưa ra bình luận nào.
Moscow cũng phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với vụ MH17. Năm 2001 Ukraine thừa nhận rằng quân đội của họ chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi 1 máy bay Nga ở Biển Đen khiến toàn bộ 78 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Một quan chức cấp cao Ukraine cho hay nhiều khả năng máy bay này bị bắn rơi tình cờ bởi 1 tên lửa S-200 trong 1 cuộc tập trận.
Năm 1983 một chiến đấu cơ Liên Xô cũng đã bắn rơi 1 máy bay hàng không dân dụng Hàn Quốc sau khi bay lạc vào không phận Nga mà không trả lời các nỗ lực liên lạc. Toàn bộ 269 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Năm 1988, tàu chiến Mỹ Vincennes bắn hạ một máy bay chở khách của Iran ở Vùng Vịnh khiến 290 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Hoa Kỳ giải thích rằng đó chỉ là một vụ tai nạn khi nhìn nhầm chiếc máy bay này là máy bay quân sự, còn Tehran coi đây là cuộc tấn công có chủ ý.