Hai máy bay quân sự Ukraine có mặt gần thời điểm MH17 bị bắn hạ
Thông tấn RIA Novosti vừa đưa tin cho biết, một kiểm soát viên thuộc trung tâm kiểm soát không lưu tại sân bay Borispol ở Kiev tuyên bố trên Twitter cá nhân rằng hai máy bay quân sự Ukraine đã xuất hiện ở gần chuyến bay MH117 ngay trước khi nó bị bắn hạ.
Sự cố bất ngờ đã khiến cả thế giới bàng hoàng và sốc. |
"Các máy bay quân sự Ukraine đã bay gần chiếc (Boeing) 777 chỉ ba phút trước khi nó biến mất khỏi radar", người đàn ông Tây Ban Nha tên Carlos viết trên Twitter.
Ông Carlos cũng bày tỏ nghi ngờ rằng quân đội Ukraine có thể liên quan tới sự cố này khi đặt ra câu hỏi rằng: "Làm thế nào chính quyền Kiev có thể khẳng định rằng máy bay đã bị rơi ngay sau khi nó vừa biến mất khỏi radar? Làm sao mà họ có thể tìm thấy nó một cách nhanh chóng như vậy?".
Chuyến bay MH17 bị bắn hạ trên không phận Donetsk, Ukraine cách biên giới Nga 60 km. Nó dự kiến sẽ đi vào không phận Nga lúc 17 giờ 20 phút giờ địa phương, nhưng đã không bao giờ thực hiện được điều đó.
Nghi vấn được Carlos viết trên Twitter cá nhân. |
Trong khi đó, thông tấn RIA Novosti tiếp tục đưa ra các bằng chứng cho thấy lực lượng Ukraine có liên quan tới vụ việc khi dẫn nguồn tin riêng cho biết, chính quân đội Ukraine cũng đã triển khai hệ thống phòng không Buk trong khu vực MH17 bị bắn rơi.
"Theo hệ thống kiểm soát mục tiêu, lực lượng vũ trang Ukraine đã triển khai Buk đến khu vực Donetsk hôm thứ Tư (16/7) và đang chuẩn bị triển khai tới Kharkov và các khu vực khác", nguồn tin cho biết đồng thời nhấn mạnh thêm rằng những máy bay bay ở độ cao trên 10 km chỉ có thể bị bắn hạ bởi C-300 hoặc Buk.
Chỉ có thể do Buk hoặc S-300 gây ra
Chính phủ Kiev đã đổ lỗi cho lực lượng ly khai ở miền Đông đã bắn rơi chiếc máy bay trên bằng tên lửa Buk do Nga cung cấp cho phe này. Tuy nhiên, phe ly khai phủ nhận thông tin này khi cho biết họ không có vũ khí nào như vậy.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa lên tiếng tự tin cho rằng MH17 bị bắn bằng tên lửa của Nga. |
Bộ Quốc phòng Nga cũng bác cáo buộc cho có liên quan tới vụ việc khi cho biết máy bay rơi trong khu vực nằm ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không nước này.
Nhà phân tích quốc tế tại tổ chức IHS, Nick de Larrinaga cho biết, MH17 chỉ có thể bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa đất đối không, chẳng hạn như Buk hoặc S-300 mà cả quân đội Nga và Ukraine đều được trang bị.
"Thông tin chi tiết về vụ việc đang rất khan hiếm và rất khó có thể nói ai hay cái gì chịu trách nhiệm về thảm họa này", ông cho biết thêm.
RT dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, lực lượng vũ trang Ukraine cũng được trang bị hệ thống phòng không Buk-M1 ở khu vực MH17 gặp nạn.
Buk. |
Hệ thống này cho phép họ có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 160 km và độ cao 30 km.
"Rất có thể máy bay của Malaysia thực sự bị bắn rơi bởi hệ thống phòng thủ chống máy bay của Ukraine", Yury Karash - phi công và chuyên gia hàng không nói với RT.
"Boeing 777 hoạt động rất an toàn... Chúng ta hãy nhớ lại vụ Ukraine bắn rơi TU-154 của Nga cách đây mười năm. Tôi không thể khẳng định được thủ phạm của vụ tấn công, nhưng tôi cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine đáng nghi nhất vì không may họ hiện đang hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết", ông nói thêm.
Hình ảnh một số nạn nhân do báo chí Nga đăng tải |
Hành lý của các hành khách xấu số |
Hộ chiếu của các nạn nhân |
Tướng Kevin Ryan, Giám đốc Dự án Quốc phòng và Tình báo tại Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer nói với CNN rằng, ông loại trừ giả thuyết lực lượng ly khai ở Đông Ukraine thực hiện vụ tấn công vì cho rằng họ không có khả năng vận hành hệ thống Buk vốn đòi hỏi kỹ năng đào tạo chuyên sâu cao. Ông cho rằng, MH17 thực sự bị bắn rơi bởi một lực lượng quân sự chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa lên tiếng tự tin cho rằng MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa đất đối không và "chắc chắn nó (tên lửa) có nguồn gốc từ Nga". Đây được cho là tuyên bố mạnh mẽ nhất của chính quyền Mỹ liên quan tới vụ việc.
Mỹ có thể tìm ra thủ phạm?
Hiện nơi và loại tên lửa bắn ra chưa được xác định. Nhưng tờ The Guardian dẫn lời James Brown - một nhà nghiên cứu quân sự tại Viện Lowy của Úc, cho biết, các nhà phân tích Mỹ trước đó đã xác nhận được máy bay bị bắn bằng tên lửa thì họ cũng có thể tìm thấy nơi chúng được phóng.
"Điều này cũng có nghĩa là Mỹ cũng có thể xác định được người bắn tên lửa và có khả năng đặt Washington vào tình thế đối đầu trực tiếp hơn với Nga", ông nói thêm.
Cái chết đã được cảnh báo trước?
Hiện trường thảm kịch tại Donetsk, Ukraine. |
Một nguồn tin trong cơ quan hàng không liên bang Nga Rosaviatsia nói với RT rằng Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine đã thông báo đóng cửa không phận ở khu vực phía Đông ba ngày trước đó để tiến hành chiến dịch chống khủng bố.
Trước đó, đại diện của "Cộng hòa nhân dân" Donetsk cũng cho biết, máy bay dân dụng không thể bay qua Donetsl và Luhansk. Tất cả các thiết bị điều hướng và định vị hàng không trong khu vực đều đã bị hư hỏng.
Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao máy bay của Malaysia lại chọn di chuyển trong khu vực có xung đột này, trong khi hầu hết các hãng hàng không quốc tế khác đều đã chuyển hướng, tránh di chuyển qua đây sau một loạt vụ máy bay quân sự Ukraine bị bắn rơi từ tháng trước.
Lý giải cho điều trên, tờ New York Times cho biết, Malaysia Airlines đã được cảnh báo trước thông qua một loạt vụ bắn rơi máy bay quân sự của Ukraine gần đây trong khu vực này, nhưng có thể họ đã chủ quan vì nghĩ rằng di chuyển ở độ cao trên 10 km là an toàn./.