Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Talk Vietnam. |
Đài VOA ngày 19/7 đưa tin, hàng trăm người đứng trang trọng hát quốc ca Việt Nam trong một buổi lễ sáng Thứ Sáu tại Hà Nội để kỷ niệm ngày ký Hiệp định Geneva kết thúc chế độ thực dân Pháp và bắt đầu thời kì đất nước 2 miền bị chia cắt.
Hiệp định Geneva 1954 quy định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 1956 để bầu ra một chính phủ thống nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong khi chờ đợi đất nước tạm chia làm 2 miền Nam - Bắc theo vĩ tuyến 17. Tuy nhiên cuộc bầu cử này đã không bao giờ được tổ chức và một thập kỷ sau đó quân đội Mỹ nhảy vào Việt Nam, một cuộc chiến mới lại bắt đầu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, Hiệp định Geneva là một cột mốc quan trọng đối với độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời Hiệp định này còn cho Việt Nam những bài học trong việc phát huy vai trò của ngoại giao, tăng cường đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trong quan hệ quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông cho biết các mối đe dọa gần đây với chủ quyền quốc gia Việt Nam ở Biển Đông đã đặt ra thách thức lớn với độc lập dân tộc và Hiệp định Geneva vẫn còn nguyên giá trị và những bài học.
Trong vài tháng qua, quan hệ Việt - Trung đã trở nên căng thẳng khi Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan dầu ở vùng biển "cả hai nước đều tuyên bố là của mình, bắt nguồn từ yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa". Cần nhấn mạnh rằng, vị trí Trung Quốc từng hạ đặt giàn khoan 981 vừa qua nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và hoàn toàn không có tranh chấp - PV.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc cho biết: Năm 1954 chính quyền Việt Nam Cộng hòa tiếp quản quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Cộng hòa Pháp vì họ nằm dưới vĩ tuyến 17. Một số nhà bình luận cho rằng, chính Trung Quốc đã tham dự quá trình đàm phán Hiệp định Geneva, điều này có nghĩa là họ công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Tuy nhiên giáo sư Thayer nói Trung Quốc đã không đặt bút ký.
Tàu chiến, máy bay quân sự, giàn khoan - công cụ theo đuổi tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Hình minh họa. |
Như vậy có thể thấy truyền thông quốc tế vẫn bị ảnh hưởng bởi các thông tin từ Trung Quốc. Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa là rõ ràng, hợp pháp, nhưng bản chất vụ giàn khoan 981 lại là xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không liên quan gì tới quần đảo Hoàng Sa như Bắc Kinh vẫn tuyên truyền - PV.
Căng thẳng Việt - Trung trên Biển Đông được nới lỏng một chút từ Thứ Tư khi Trung Quốc tuyên bố di chuyển giàn khoan 981 về gần đảo Hải Nam. Jennifer Richmond phụ trách các vấn đề Trung Quốc từ Công ty Tình báo toàn cầu Stratfor cho biết, chỉ là vấn đề thời gian cho sự lặp lại hoạt động (trái phép) của giàn khoan Trung Quốc trên Biển Đông.
"Bạn có thể thấy một giàn khoan đến và đi, nhưng bạn sẽ tiếp tục nhìn thấy các chiến thuật này không chỉ với Việt Nam mà với bất cứ bên nào khác, ví dụ như Philippines. Nhiều người tin rằng Biển Đông giàu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, nhưng Richmond tin rằng còn có những yếu tố khác nữa.
"Vấn đề Việt Nam trở thành công công cụ được các nhà báo chính trị Trung Quốc sử dụng để kích thích chủ nghĩa dân tộc (cực đoan). Vì vậy không một người (Trung Quốc) bình thường nào thực sự băn khoăn về Việt Nam hay nghĩ rằng Việt Nam là một mối đe dọa đối với họ. Nhưng chính phủ của họ có thể sử dụng vấn đề này để thúc đẩy các chương trình nghị sự quốc gia, và họ đã làm".
Richmond cho biết bà chưa bao giờ thấy Trung Quốc mạnh hơn về chính trị. Vì lý do này, bà cho rằng căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông khó có thể giảm đi trong thời gian tới.