Tiếp tục thông tin vụ “bắt giam thai phụ” Cao Thị Thu Hằng xảy ra tại Phú Thọ. Trong phiên xét xử sơ thẩm ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 7/2014, VKSND tỉnh Phú Thọ đã truy tố bà Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị mức án từ 12-13 năm tù dành cho bà Hằng.
Bà Cao Thị Thu Hằng cùng hai con nhỏ Ảnh: QK |
Tuy nhiên, đến chiều ngày 8/7/2014, sau 5 ngày nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định trả lại hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung do còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Truy tố gần 3 năm, đến nay chưa “biết mặt” quyết định khởi tố?
Trong quyết định yêu cầu trả lại hồ sơ, tòa án nhân tỉnh tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu làm rõ thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án và thủ tục tố tụng:
Thứ nhất, căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án đối với Lê Thị Minh Hiền và Cao Thị Thu Hằng theo đơn đề nghị của Đặng Thị Hải Yến; Cao Thị Ngọc Ánh; Nguyễn Thị Thu Phương không có anh Tạ Quang Thuật và chị Hoàng Thị Thu. Tại phiên tòa, bị cáo Hằng cho rằng chưa nhận được quyết định khởi tố vụ án theo đơn yêu cầu của anh Thuật và chị Thu. Vậy vụ án này chưa có quyết định khởi tố vụ án?
(GDVN) - Cách hành xử và ngôn từ của những người cộng sản Trung Quốc đã, đang dùng cho thấy, với họ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” cao hơn tất cả.
Thứ hai, tại phiên tòa, bị cáo Hằng cho biết, có vay của chị Thu 440 triệu đồng nhưng đến thời điểm này Hằng không còn nợ tiền của anh Thuật và chị Thu. Căn cứ vào 8 biên nhận trả tiền do Hằng và ông Sự (bố đẻ Hằng) trả cho chị Thu. Hiện chị Thu còn đang nợ Hằng 11 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Hằng yêu cầu chị Thu xuất trình biên nhận thể hiện việc chị Thu nói đưa cho Hằng 630 triệu đồng. Chị Thu thừa nhận số tiền 440 triệu đồng có biên nhận còn 190 triệu đồng đưa sau không có biên nhận?
Thứ 3, Theo lời khai của anh Thuật, chị Thu thì bị cáo Hằng còn chiếm đoạt của anh Thuật 497.500.000 đồng, của chị Thu là 179 triệu đồng đều không có chứng cứ chứng minh. Tại phiên tòa, Hằng đề nghị HĐXX căn cứ vào giấy biên nhận do anh Thuật viết 21/10/2006 đã được ông Sự (bố đẻ Hằng) nộp bản gốc cho cơ quan điều tra như bản cáo trạng Viện kiểm sát nêu để chứng minh anh Thuật đã nhận lại đủ số tiền anh Thuật đưa cho Hằng. Nội dung này cần được làm rõ, “các giấy tờ khác không có giá trị thanh toán giữa hai bên”.
Thứ 4, bản cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ kết luận “….Do cả tin nên anh Thuật đã bị lấy mất biên nhận gốc thể hiện Hằng nhận 17 lần có tổng số tiền là 587.500.000 đồng. Sau đó Hằng có trả cho anh Thuật 90 triệu đồng nhưng trừ 900 nghìn đồng tiền hồ sơ. Lần trả tiền này, Hằng yêu cầu anh Thuật viết một giấy biên nhận thể hiện anh Thuật nhận lại tiền”. (quá trình điều tra ông Sự đã giao nộp biên nhận gốc).
Tại phiên tòa ông Sự khẳng định, nộp 02 bản (một bản phô tô và một bản gốc) cho cơ quan điều tra và trong hồ sơ vụ án chỉ có bản phô tô, không có bản gốc. Vậy bản gốc biên nhận đang ở đâu?
Thứ 5, theo biên nhận không có căn cứ Hằng trả cho anh Thuật số tiền 90 triệu đồng, sau khi trừ 900 nghìn đồng tiền hồ sơ như cáo trạng của Viện kiểm sát đã nêu. Tại phiên tòa anh Thuật xác nhận số tiền 90 triệu là ở biên nhận khác, không nằm trong số 687.500.000 đồng của 19 hồ sơ. Số tiền anh Thuật nhận ngày 21/10/2006 là 89.100.000 đồng chưa được làm rõ.
“Vụ án sai cả hình thức lẫn nội dung”
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Đoàn Quốc Dự, Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và cộng sự - là người bảo vệ quyền lợi cho bị can Hằng, nhận định để tránh tình trạng xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm thì việc tòa án ra quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của phiên tòa, đúng với quy định của pháp luật.
Luật sư Đoàn Quốc Dự - Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và cộng sự Ảnh: VIẾT CƯỜNG |
Cũng theo Luật sư Đoàn Quốc Dự, vụ án Cao Thị Thu Hằng đã diễn ra gần 3 năm, có quá nhiều lần tòa án trả đi trả lại hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung nhưng đến nay cơ quan tố tụng Phú Thọ vẫn không đủ chứng cứ để xác định Cao Thị Thu Hằng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bằng chứng là tại phiên tòa ngày 8/7/2014, HĐXX lại ra quyết định trả lại hồ sơ.
Luật sư Dự cho biết thêm, cũng 3 năm ấy, Cao Thị Thu Hằng đã bị bắt giam lúc đang mang thai và nuôi con nhỏ. Hằng đã phải chịu nhiều khổ cực trong quá trình điều tra vụ án đến nay, bị thiệt hại tổn thất tinh thần và tải sản là vô cùng lớn.
Để có căn cứ xác định Cao Thị Thu Hằng có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tạ Quang Thuật và Hoàng Thị Thu hay không, theo quy định pháp luật, cơ quan tố tụng cần phải đình chỉ điều tra đối với Cao Thị Thu Hằng trong vụ án số 33 mà Cơ quan điều tra cho rằng Cao Thị Thu Hằng có liên quan đối với Lê Minh Hiền và Đặng Thị Hải Yến.
Tiếp theo, cần có quyết định khởi tố vụ án đối với Cao Thị Thu Hằng, Hoàng Thị Thu và Tạ Quang Thuật thành một vụ án riêng biệt để tiếp tục điều tra, như vậy mới đúng quy định của pháp luật, được quy định tại khoản 1 điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.
Cũng nói về vụ án, luật sư Hà Đăng, người đồng bảo vệ quyền lợi cho bị can Hằng, cho rằng có nhiều điểm cơ quan tố tụng cần làm rõ. Thứ nhất là chưa có quyết định khởi tố vụ án đối với yêu cầu của anh Tạ Quang Thuật và chị Hoàng Thị Thu. Thứ hai là cán bộ điều tra vụ án tự đến nơi ở của đương sự để nhận đơn của Tạ Quang Thuật và Hoàng Thị Thu là hoạt động điều tra ngoài luồng. Thứ ba là chứng cứ luận tội Hằng chỉ là bản phô tô, không có giá trị pháp lý. Thứ tư là số liệu về tiền và hồ sơ không khớp với nội dung cáo trạng truy tố…
“Đến nay, vụ án sai cả hình thức và nội dung. Ngoài ra, nhiều tình tiết đã điều tra quá lâu mà không xác định được Hằng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Thuật và Thu. Vậy đề nghị HĐXX sớm tuyên Cao Thi Thu Hằng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Luật sư Hà Đăng kiến nghị.
Tóm tắt vụ án:
Theo kết luận điều tra cùng cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, ngày 26/8/2011, cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 đối với bị can Lê Thị Minh Hiền.
Trước đó, Hiền giới thiệu là nhân viên của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, có khả năng mua được đất dự án và chạy việc. Sau khi “nổ” về thân thế của mình, Hiền đã nhận tiền của người dân để lo chạy việc và xin đất dự án nhưng cuối cùng không thực hiện được, khiến hàng chục tỉ đồng của người dân đã đưa cho Hiền khó có thể thu hồi.
Quá trình điều tra, Hiền khai hầu hết số tiền đã nhận của người dân đều giao lại cho bà Cao Thị Thu Hằng (SN 1982, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, số tiền Hiền nói đã đưa cho Hằng thì đều không có tài liệu chứng minh. Đồng thời, bản kết luận điều tra và cáo trạng không kết luận được bà Hằng có hành vi lừa đảo đối với Lê Thị Minh Hiền. Thậm chí, bà Hằng còn có tài liệu chứng minh Hiền còn nợ mình 10 triệu đồng.
Đang trong quá trình điều tra thì ngày 14/9/2011, cơ quan công an nhận được đơn của bà Hoàng Thị Thu và ông Tạ Quang Thuật tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.187.500.000 đồng. Khi tố Hằng tại cơ quan công an, ông Thuật chỉ xuất trình bản kê phô tô có chữ kí với tên Nguyễn Thị Hằng (không phải là Cao Thị Thu Hằng) đã nhận tiền của ông 17 lần, tổng số tiền là 587.500.000 đồng. Còn bà Thu không có tài liệu gì chứng minh việc bà Hằng nợ mình.
Thế nhưng, chỉ dựa vào những lời khai của ông Thuật và bà Thu cùng 1 bản kê phô tô, các cơ quan tố tụng lại cho rằng, Tạ Quang Thuật đã nhận nhiều hồ sơ (từ xin việc, đến chuyển trường) từ Hoàng Thị Thu với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng rồi chuyển tiền và hồ sơ này cho bà Hằng.
Vì vậy, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã truy tố Hằng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 16/9/2011, CQCSĐT đã tiến hành khởi tố bị can đối với bà Hằng. Ngày 22/9/2011, cơ quan công an đã tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối với Hằng để phục vụ cho công tác điều tra và được Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ phê chuẩn. Thời gian này, bà Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và bản thân bà đang mang thai tháng thứ hai.