RT ngày 20/7 dẫn lời một cựu cố vấn cấp cao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết, việc phương Tây đổ lỗi cho Nga về thảm kịch MH17 có ẩn chứa động cơ chính trị đằng sau.
Phát biểu với RT, Lode Vanoost, một cựu Phó chủ tịch Hạ viện Bỉ cho rằng đổ lỗi cho Moscow là một cơ hội tuyệt vời mà các chính trị gia và phương Tây không thể bỏ lỡ.
Lode Vanoost, cựu cố vấn cấp cao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cựu Phó chủ tịch Hạ viện Bỉ. |
Ông nhấn mạnh rằng việc thu thập bằng chứng cho thảm kịch này sẽ phải mất hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Do đó, mọi kết luận lúc này đều là quá sớm và có thể dẫn tới leo thang trong khu vực.
"Đây là một tình huống rất dễ dẫn đến xung đột. Tất cả các cuộc chiến tranh thường khởi đầu từ sự đổ lỗi trước khi có bất kỳ bằng chứng nào dẫn tới kết luận được đưa ra", ông Vanoost nói thêm.
Vanoost cho biết, việc các chính trị gia và truyền thông phương Tây ngap lập tức đổ lỗi cho Nga sau thảm kịch là có động cơ chính trị. Đây là một cơ hội quá tốt mà họ không thể bỏ lỡ để đạt được mục tiêu chính trị trong vấn đề Ukraine.
Vanoost cho rằng Mỹ và Nga chỉ nên là nhân chứng chứ không nên là một phần của cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân thảm kịch vụ MH17. Một cuộc điều tra khách quan nên bao gồm chính quyền Hà Lan, Malaysia và hãng Boeing.
Ông Vanoost tin rằng MH17 đã bị bắn hạ. Nga, Mỹ, Ukraine đều có thể bị đổ lỗi vì đã từng có các tiền lệ trước đó như Liên Xô bắn rơi máy bay Hàn Quốc năm 1983, Mỹ bắn rơi máy bay Iran năm 1988, Ukraine bắn rơi máy bay Nga.
Dù thủ phạm là ai thì điều ông Vanoost lo ngại nhất là có thể thủ phạm thực sự sẽ không bao giờ bị trừng phạt./.