Chuyên gia Mỹ: Chiến lược của Putin ở Ukraine đã rơi theo MH17

22/07/2014 14:48
Nguyễn Hường
(GDVN) - Lúc này, ông Putin đang đứng trước hai lựa chọn mà cả hai đều khó khăn đối với chính quyền của ông.

Daniel Treisman, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ) và là tác giả của cuốn sách "Sự trở lại: Hành trình của Nga từ Gorbachev đến Medvedev", nói với CNN rằng vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines không chỉ làm thay đổi cuộc xung đột ở Đông Ukraine mà cả canh bạc Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu tại Ukraine từ tháng 2.

Daniel Treisman, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ).
Daniel Treisman, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles (Mỹ).

Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Moscow bí mật đẩy mạnh sự hỗ trợ cho phong trào của những người ủng hộ Nga ở sâu hơn trong lãnh thổ Ukraine, thuộc khu vực Donetsk và Luhansk. 

Trong những tháng tiếp theo, Moscow cung cấp cho lực lượng ly khai pháo binh, xe tăng, vũ khí chống máy bay với mục tiêu dường như là để gây sức ép đối với các nhà lãnh đạo Ukraine để họ đàm phán với lực lượng ly khai, cung cấp thêm quyền tự chủ cho khu vực nhiều người gốc Nga sinh sống tại miền Đông.

Tuy nhiên theo Giáo sư Treisman, chiến lược này của Tổng thống Putin đã thất bại ngay cả trước khi thảm kịch MH17 xảy ra. Vừa đắc cử, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đẩy mạnh chiến dịch quân sự đè bẹp lực lượng ly khai. Mặc dù bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Putin, nhưng ông Poroshenko đã thể hiện sự không nhượng bộ đối với lực lượng nổi dậy.

Sự thành công trong hoạt động của Poroshenko theo Giáo sư Treisman, đã lý giải cho khả năng Moscow đã cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Buk cho lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. 

Ông Putin đã thua trong canh bạc ở Ukraine.
Ông Putin đã thua trong canh bạc ở Ukraine. 

Mặc dù thủ phạm của thảm kịch này vẫn còn là một ẩn số, nhưng chính quyền Kiev và phương Tây tin rằng lực lượng ly khai đã bắn rơi chiếc máy bay với sự hỗ trợ của Nga.

Nếu kết quả điều tra cho thấy lực lượng ly khai đã bắn rơi MH17 bằng hệ thống phòng không do Nga cung cấp hoặc tệ hơn nữa là do chính người Nga gây ra, thì áp lực quốc tế lên Tổng thống Putin sẽ rất lớn. Phương Tây, đứng đầu là Mỹ sẽ buộc ông Putin phải dừng hỗ trợ cho phe này, đóng cửa biên giới và khởi động một loạt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mới.

Trong trường hợp ngược lại, Nga cũng vẫn sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng được Mỹ ban hành tuần trước nhắm vào các công ty dầu khí, ngân hàng và công nghiệp vũ khí của Nga đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới mức các nhà quan sát cũng phải ngạc nhiên. 

Lúc đó, ông Putin đang đứng trước hai lựa chọn mà cả hai đều khó khăn đối với chính quyền của ông.

Quy mô của thảm kịch đã đẩy Nga vào tình cảnh có thể trở thành một "tội đồ quốc tế".
Quy mô của thảm kịch đã đẩy Nga vào tình cảnh có thể trở thành một "tội đồ quốc tế". 

Thứ nhất, Moscow có thể bác bỏ kết quả điều tra và tiếp tục đứng về phía phe ly khai. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là nền kinh tế Nga sẽ phải gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng. Các biện pháp như vậy sẽ đẩy nền kinh tế Nga - theo dự báo của IMF chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm nay - vào một cuộc suy thoái sâu sắc hơn nữa.

Đồng thời, Điện Kremlin sẽ thấy mình bị cô lập hơn bất cứ lúc nào kể từ sau Chiến tranh lạnh. Không chỉ Mỹ, Anh mà nhiều quốc gia khác trước đây thân thiện hoặc trung lập cũng sẽ bắt đầu đối xử với Nga như một kẻ tội đồ. Và uy tín của ông Putin trên thế giới cũng sẽ sụt giảm theo.

Lựa chọn thứ hai là chấp nhận kết quả điều tra, chấm dứt liên hệ với lực lượng ly khai. Nhưng điều này có thể gây ra một số vấn đề quan trọng bên trong nước Nga. 

Đối với truyền thông nhà nước Nga, nó sẽ khiến họ cảm thấy bối rối. Chiến dịch tuyên truyền đã thuyết phục nhiều người Nga tin rằng đồng bào họ ở Donetsk và Luhansk đang bị tàn sát bởi chính phủ phát xít tại Kiev đã giúp tăng tính đoàn kết dân tộc trong nước sẽ trở thành công cốc. 

Ngoài ra, những gì truyền thông nhà nước Nga đăng tải trước đó sẽ phản tác dụng, biến họ thành những kẻ nói dối.

Sự kiện bắn rơi MH17 đã làm chấn động quốc tế.
Sự kiện bắn rơi MH17 đã làm chấn động quốc tế. 

Sự cúi đầu trước áp lực quốc tế và từ bỏ các mục tiêu cũ sẽ biến ông Putin trở thành kẻ hèn nhát đối với dư luận trong nước, khiến lực lượng ủng hộ ông trong nước Nga có thể sẽ quay lưng lại.

Nga từ đầu, chiến lược của Điện Kremlin trong vấn đề Ukraine là nhằm mục đích củng cố sự hỗ trợ trong nước. Khi nền kinh tế trì trệ, ông Putin đã tìm cách thay thế tăng trưởng và thịnh vượng bằng sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc.

Nếu từ bỏ hỗ trợ lực lượng ly khai Ukraine, ông Putin sẽ mất đi những hỗ trợ như vậy. Hơn nữa, ông sẽ phải thừa nhận rằng đã hỗ trợ tên lửa cho lực lượng này.

Tuy nhiên, có một khả năng giúp ông Putin tổn thất ít nhất là cuộc điều tra sẽ chẳng thể đưa ra được kết luận mạnh mẽ nào. 

Trong 14 năm lãnh đạo nước Nga, ông Putin đã nổi tiếng là người hành xử thận trọng trong các vấn đề quốc tế, thường cân nhắc kỹ lợi ích và hậu quả trước khi hành động. Nhưng quyết định sáp nhập Crimea nhanh chóng và trái với thường lệ của ông đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ, CNN cho biết./.

Nguyễn Hường