Tờ Channel News Asia của Singapore hôm 26/7 đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Mỹ có còn là chìa khóa để môi giới hòa bình ở Trung Đông hay không khi mà cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza đang đòi hỏi Washington phải phát huy vai trò này mạnh mẽ nhất, nhưng thực tế lại phản ánh điều ngược lại.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã được cử tới Cairo trong tuần này với nhiệm vụ được Tổng thống Barack Obama giao là phải đem lại hơi thở cuộc sống mới cho đề xuất ngừng bắn của Ai Cập tại Gaza.
Ngoại trưởng John Kerry. |
"Công việc này sẽ không dễ dàng. Có những mối quan tâm rất lớn đến vấn đề này, nhưng cũng có một số vấn đề chiến lược rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã nhờ John làm tất cả mọi thứ có thể để giúp tạo điều kiện cho việc kết thúc chiến sự", ông Obama tuyên bố trước chuyến đi Ai Cập của Ngoại trưởng Mỹ.
Nhưng tờ Channel News Asia cho rằng đến thời điểm này có thể nói Mỹ đã hành động rất ít trong việc tạo điều kiện cho hòa bình ở Trung Đông so với trước kia.
Đã 36 năm kể từ khi Jimmy Carter chủ trì việc ký kết hiệp định Trại David, và 21 năm kể từ khi Bill Clinton dỗ dành Yitzhak Rabin và Yasser Arafat bắt tay trên bãi cỏ của Nhà Trắng, các chính phủ Mỹ sau đó dù đã cố gắng như nhau để thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông nhưng tất cả đều thất bại.
Cuộc chiến tại Gaza giữa Israel và Hamas đã nhấn mạnh một trong những lý do tại sao những nỗ lực của họ lại thất bại. Mỹ chính thức liệt kê Hamas là tổ chức khủng bố, cấm các quan chức chính phủ quan hệ với các nhà lãnh đạo Hamas cho đến khi nhóm này từ bỏ việc sử dụng bạo lực và chính thức công nhận quyền tồn tại của Israel.
Điều đó, cùng với mối quan hệ lạnh nhạt giữa Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hai nhà lãnh đạo không thống nhất về tư tưởng, đã làm hạn chế khả năng ảnh hưởng của Mỹ đến kết quả của các sự kiện.
Elliot Abrahams thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng Mỹ có tác động to lớn trong vấn đề này. Người Ai Cập, những người ủng hộ tiền cho Hamas như Qatar và Ả Rập Saudi mới có quyền. Rõ ràng, Israel cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhưng tôi không nghĩ rằng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn".
"Tôi nghĩ rằng Mỹ có thể nói chuyện với tất cả các bên. Nhưng những gì mà Ngoại trưởng Mỹ nói là giải pháp thì tôi không tin nó có thể diễn ra trong tuần này", ông nói thêm.
Chiến sự tại Gaza vẫn tiếp tục cướp đi sinh mạng của hàng chục dân thường mỗi ngày bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế. |
Tuy nhiên, tờ báo Singapore cho biết, các chính phủ tiếp theo của Mỹ sẽ cần phải tiếp tục cố gắng và chờ đợi cơ hội có thể tạo ra sự khác biệt ở Trung Đông. Nhưng cơ hội sẽ không đến nếu các nhà lãnh đạo mới không tìm được tiếng nói chung.
Nhận định được đưa ra trong bối cảnh Israel và chính quyền Palestine đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn 12 giờ có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng giờ địa phương ngày 26/7 do Liên Hợp Quốc đề xuất.
Tuy nhiên Israel cho biết, ngừng bắn không có nghĩa là nước này sẽ ngừng tìm kiếm các đường hầm của Hamas tại Gaza. Trong khi Hamas cho biết sẽ tuân thủ thỏa thuận.
Vài phút sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, hàng ngàn người Palestine đã đổ ra đường phố để mua thực phẩm, rút tiền tại ngân hàng, kiểm tra thiệt hại.
Ước tính khoảng 850 người Palestine, chủ yếu là dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza kể từ khi bùng phát giao tranh hồi tuần trước. Israel thừa nhận họ đã mất hai binh sĩ trong chiến dịch mặt đất tại Gaza.
Mặc dù cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để đem lại một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và sự hòa giải cho Israel và Hamas, tuy nhiên, Hamas cho biết họ muốn chấm dứt phong tỏa của Israel-Ai Cập tại Gaza trước khi đồng ý để ngăn chặn chiến sự.
Về phần mình, các quan chức Israel cho rằng, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải kèm theo sự cho phép quân đội nước này tiếp tục săn lùng mạng lưới đường hầm của Hamas xuyên qua biên giới Gaza./.