Cục Điện ảnh thì “thổi còi” cho rằng đây là bộ phim phát hành trái phép, nhưng thế giới mạng lại tranh cãi gay gắt về sự tồn tại của video clip này. Rất nhiều quan điểm cho rằng, Cục Điện ảnh không thể chạy theo dư luận, xử phạt hàng ngàn video clip đang tồn tại trên mạng ngày nay. Vấn đề cần giải quyết không phải là xử phạt, mà khắc phục những lỗ hổng trong luật pháp về điện ảnh.
Hình ảnh trong Căn hộ số 69 |
Căn hộ số 69 không phải là một bộ phim
Chỉ trong 6 tuần, Căn hộ số 69 được đăng tải trên mạng đã thu hút gần 3,8 triệu lượt truy cập trên YouTube chưa kể được phát lại trên nhiều trang mạng khác với lượt view tăng từng giờ.
Căn hộ số 69 xoay quanh cuộc sống của ba nhân vật do Ngọc Thảo, Sĩ Thanh và Kỳ Nam thủ vai, đề cập đến cuộc sống của những người trẻ sống và làm việc ở thành thị với những góc nhìn về tình yêu, tình bạn, giới tính một cách cởi mở nhất. Và những hình ảnh "18+" trong Căn hộ số 69 đã trở thành chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Trước những luồng dư luận trái chiều, Cục Điện ảnh đã gửi công văn mời thanh tra vào cuộc làm rõ những sai phạm. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một thông báo hay quyết định chính thức từ Cục Điện ảnh hay các bên điều tra về việc cấm đăng tải hay cấm thực hiện tiếp các phần còn lại của sản phẩm.
Trong khi Cục Điện ảnh cho rằng đây là một bộ phim vì nó có cốt truyện, nhân vật và nội dung của bộ phim này không lành mạnh, cần xử phạt thì nhóm sản xuất Căn hộ số 69 lại khẳng định, đây chỉ đơn thuần là video clip giải trí, chia sẻ trên YouTube chứ không phải là bộ phim truyền hình hay phim online.
“Căn hộ số 69 là một sản phẩm video clip như hàng vạn video clip khác trên mạng hiện nay, và dù bạn có quay video clip ca nhạc hay đám cưới thì bạn cũng phải có nội dung, có nhân vật.
Căn hộ số 69 hoàn toàn không phải là một bộ phim, vì làm phim phải đầu tư, phải kinh doanh có lợi nhuận. Nhóm mình chơi với nhau rất thân và cùng có đam mê điện ảnh nên bọn mình chỉ làm một sản phẩm kỷ niệm cho cả nhóm.
Mục tiêu của nhóm vui là chính nên cả hội đã cùng nhau góp sức, góp tiền để cho ra đời Căn hộ số 69. Không những tất cả mọi người trong nhóm đều không có cát sê mà còn phải tự bỏ sức, bỏ tiền ra nữa” - Nam Cito, giám đốc sáng tạo của Căn hộ số 69 chia sẻ.
Theo Giám đốc sáng tạo Nam Cito, Căn hộ số 69 hoàn toàn không phải là một bộ phim, vì làm phim phải đầu tư, phải kinh doanh có lợi nhuận. |
Thực tế, theo ghi nhận của PV thì trong Căn hộ số 69 không hề có cảnh lộ ngực, sexy mà đa phần chỉ có những cảnh hài tình huống xoay quanh câu chuyện về tình dục, chuyện giới tính, tâm sinh lý của thanh thiếu niên.
Khi được hỏi ý kiến về những cảnh nóng trong Căn hộ số 69, đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ: “Căn hộ số 69 chỉ mới manh nha những chi tiết mang hơi hướng nhạy cảm thôi, chứ để được gọi là “nóng” thì nó còn thua xa những cảnh nóng trong những bộ phim cách đây hàng chục năm của tôi”.
Ngoài ra, theo một chuyên gia pháp lý phân tích, Căn hộ số 69 được đăng bởi Mạng xã hội YouTube chứ không phải website cá nhân của nhóm làm Căn hộ số 69.
Bản thân YouTube có chính sách kiểm duyệt đa quốc gia rất chặt chẽ, không đăng tải các phim đồi truỵ, phim sex. Và như vậy, nếu YouTube đã đăng tải thì đối tượng bị xử phạt nếu có trong trường hợp này là YouTube, chứ không phải các bạn trẻ.
“Thiết nghĩ cơ quan chức năng phát hiện có sai phạm thì cần mời đại diện YouTube đến làm việc, thậm chí, đề nghị tháo gỡ hàng ngàn video clip và phim có yếu tố tương tự Căn hộ 69, không nên ngăn cấm hay xử phạt riêng lẻ từng trường hợp vì nó thể hiện yếu tố cá nhân” – bạn đọc Hoàng Hằng chia sẻ.
“Lúng túng” do Luật Điện ảnh đã lạc hậu
Dù đến thời điểm này, nhóm thực hiện Căn hộ số 69 vẫn chưa nhận được một văn bản hay một ý kiến chính thức nào từ phía cơ quan chức năng thì bất ngờ, tối 18/7, trên trang cá nhân, Bảo Nhân – thành viên trong nhóm Căn hộ số 69 đã chia sẻ: “Chính thức quyết định dừng sản xuất clip Căn hộ số 69 tại Việt Nam. Mặc dù Clip thứ 2 và mọi thứ đã gần như hoàn thành. Nhưng chúng tôi quyết định sẽ cùng nhau giữ Clip số 2 làm kỷ niệm và chỉ cùng nhau xem thành quả của cả nhóm mà không chia sẻ lên YouTube nữa…
Chúng tôi quyết định dừng phát Clip số 2 để mọi người thấy rằng, chúng tôi làm chỉ vì thích và vui vẻ với nhau. Nếu không vui nữa thì sẽ dừng lại...
Hẹn gặp lại vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó mà mọi đam mê đều được đặt ở vị trí xứng đáng!”.
Cũng giống Bảo Nhân, Nam Cito cũng có những chia sẻ rất nặng lòng về quyết định “khai tử” Căn hộ số 69:
“Sau những lùm xùm không đáng có, tất cả đều hụt hẫng. Như tôi đã viết, chúng tôi chỉ là những người trẻ tuổi, nhỏ bé lắm, cũng chẳng phải tiền nhiều vô kể thích là bỏ ra làm phim chơi.
Vì đam mê, chúng tôi mới dám sẵn sàng hi sinh nhiều thứ khác để làm được điều mình muốn. Mà thiết nghĩ, nếu sản phẩm này làm ra không có lợi gì cho ai thì có thể nói, nó cũng chẳng làm hại tới ai. Chẳng làm băng hoại đạo đức, chẳng cổ suý tệ nạn xã hội. Nó chỉ đơn thuần là một video clip thuần giải trí trên mạng như hàng triệu video clip khác thôi, có khác là nó được chú ý quá nhiều, để rồi bị ném đá vùi dập không thương tiếc.
Sau sự cố này, chúng tôi cũng có được bài học cho riêng mình. Đam mê ít nhiều cũng bị thui chột. Có lẽ đã đến lúc dừng lại, kết thúc mọi thứ tại đây!”.
Liên lạc với Nam Cito, anh cho biết, cả nhóm đã họp với nhau và đưa đến quyết định này.
“Nếu như Cục Điện ảnh ra một văn bản chính thức, chỉ rõ chúng tôi đã vi phạm điều luật gì thì không có lý do gì chúng tôi không nghe theo. Là một công dân, chúng tôi luôn sống và làm việc theo pháp luật. Và giờ, chúng tôi không muốn chờ đợi trong mơ hồ nữa, chúng tôi đã có quyết định như vậy” - Nam Cito nói.
Trước thông tin bất ngờ này, không ít người đã đặt câu hỏi: Phải chăng Cục Điện ảnh đang đẩy sự lúng túng trong quản lý Nhà nước do kẽ hở của luật vào đầu những bạn trẻ thực hiện dự án Căn hộ số 69?
Bởi theo nhiều người, vấn đề chính trong trường hợp này là các cơ quan chức năng cần ngồi lại, kiến nghị chỉnh sửa luật dựa theo thông lệ quốc tế, chứ không phải chạy theo “xử lý vụ việc” riêng lẻ.
Hoàng Dương, một khán giả 35 tuổi ở TP.HCM đã bày tỏ quan điểm: “Tôi xin được đặt câu hỏi thế nào được coi là phim. Liệu tôi quay lại hình ảnh hôm sinh nhật, hay đám cưới của tôi rồi tung lên Youtube thì cũng là phim à? Chẳng lẽ tất cả những gì tôi quay cho vui, tôi cũng phải lập hãng phim mới được phép làm hay sao?”.
Facebooker Gừng cay có ý kiến: “Tôi khẳng định là luật quá thiếu sót khi không đưa ra đầy đủ định nghĩa nào hết về cái gọi là phim, như thế, thì chẳng có cơ sở nào để kết luận là nhóm Căn hộ số 69 đã làm phim cả, từ đó suy ra, không thể kết luận người ta trái luật. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm”.
Trao đổi với báo chí, đạo diễn của Dành cho tháng 6, Nguyễn Hữu Tuấn, một nhà làm phim độc lập, cho biết: “Cần tiếp tục đặt lại câu hỏi Căn hộ số 69 có phải là phim không? Nếu không phải phim thì nó có cần được duyệt không?
Tôi tin chắc là với Luật Điện ảnh hiện nay, không ai có thể trả lời những câu hỏi này cả, vì chẳng có cơ sở nào để đánh giá. Nếu cứ sử dụng cách lập luận của Cục Điện ảnh mà chẳng có căn cứ nào để kết luận nó là phim hay không phải phim, thì bất cứ ai đăng tải video mà họ quay lên mạng cũng là vi phạm Điều 51 hết.
Để tránh việc ai cũng vi phạm pháp luật, thì chỉ có cách là chẳng ai quay cái gì nữa là xong chuyện. Như thế chủ trương xã hội hóa để phát triển điện ảnh của Nhà nước sẽ đi đâu về đâu khi ngay cả việc đơn giản nhất là quay video chơi cũng phạm luật?”.
Việc quay và đăng các sản phẩm hình ảnh cá nhân lên mạng là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ thông tin, nên chăng, cơ quan quản lý phải tìm cách thích nghi với điều này, chứ không thể đảo ngược được xu thế thời đại.
Đã đến lúc cần có sự ngồi lại của các nhà làm luật, các cơ quan chức năng và của cả các nhà chuyên môn trong ngành truyền thông điện ảnh phải nghiêm túc nhìn lại Luật Điện ảnh hiện có, sửa chữa sao cho phù hợp với thời đại mới và không biến thành vật cản của sự sáng tạo.
Khái niệm phim theo Luật Điện ảnh dường như đang “lạc hậu”
"Phim là tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.
Phim nhựa là phim được sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật điện ảnh, được ghi trên vật liệu phim nhựa để chiếu trên màn ảnh thông qua máy chiếu phim.
Phim vi-đi-ô là phim sản xuất bằng phương tiện kỹ thuật vi-đi-ô, được ghi trên băng từ, đĩa từ và các vật liệu ghi hình khác để phát thông qua thiết bị vi-đi-ô.
Phim truyền hình là phim vi-đi-ô để phát trên sóng truyền hình.
Băng phim, đĩa phim là sản phẩm của phim vi-đi-ô hoặc được in sang từ phim nhựa".
(Trích Điều 4.3 Luật Điện ảnh năm 2006)