Ngoại trưởng Philippines lên án Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981

30/07/2014 06:34
Hồng Thủy
(GDVN) - "Chúng tôi có kế hoạch đưa ra lời đề nghị về 1 lệnh cấm và đó sẽ là cách tiếp cận ngay lập tức đến các vấn đề trầm trọng ở Biển Đông", ông Rosario cho biết.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

Reuters ngày 29/7 đưa tin, Philippines sẽ đề xuất đóng băng các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong một cuộc họp về an ninh khu vực vào tháng tới, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết.

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á sẽ tham dự Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF) cùng với các đối tác từ Mỹ, Trung Quốc, EU tại Myanmar vào tháng tới, căng thẳng trên Biển Đông có thể trở thành một trong các nội dung chính.

Quan hệ Trung Quốc - Philippines gần đây đã được thử nghiệm xung quanh tranh chấp trên Biển Đông. "Chúng tôi có kế hoạch đưa ra lời đề nghị về 1 lệnh cấm và đó sẽ là cách tiếp cận ngay lập tức đến các vấn đề trầm trọng ở Biển Đông", ông Rosario cho biết sau khi gặp Ủy viên Châu Âu phụ trách đối ngoại Catherine Ashton.

"Điều đó mang tính xây dựng, tích cực và dễ hiểu. Không ai cãi nhau với bạn vì điều đó để ngay lập tức có 1 lệnh cấm làm trầm trọng thêm tình hình, và cuối cùng là để kiểm soát căng thẳng", Ngoại trưởng Philippines khẳng định.

Hoa Kỳ, một trong những đồng minh thân cận của Philippines cũng đã kêu gọi các bên ngăn chặn tất cả các hoạt động trong "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông để giảm bớt căng thẳng, Manila ủng hộ kêu gọi đó.

Nhưng Trung Quốc lại phản ứng rằng Hoa Kỳ hãy đứng ngoài các tranh chấp và để các nước trong khu vực "tự giải quyết" vấn đề của họ (với Trung Quốc).

Ngoại trưởng Philippines cho biết 2 yếu tố khác của kế hoạch 3 hành động của ông là việc ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC và giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua tài phán quốc tế.

Ngoại trưởng Rosario cũng tố cáo Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng Năm.

Ông cho biếtl thời gian qua Trung Quốc đã cố ý cải tạo trái phép 3 bãi đá ở Trường Sa (Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ năm 1988 - PV).

Hồng Thủy