Tờ Tạp chí Foreign Policy ngày 30.7 đưa tin, các vụ tấn công khủng bố ngày càng gia tăng tại Trung Quốc đã khiến các quan chức Bắc Kinh ngày càng lo ngại rằng Pakistan có thể trở thành một vườn ươm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong tháng 6, quân đội Pakistan phát động chiến dịch chống lại các chiến binh khủng bố tại Bắc Waziristan nằm ở biên giới giáp Afghanistan với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ và khiến nửa triệu người phải di tản.
Hiện trường một vụ tấn công khủng bố đẫm máu. |
Nhiều người cho rằng hoạt động này được thực hiện dưới áp lực của Mỹ bởi trong nhiều năm qua, Washington nhiều lần kêu gọi Islamabad phải hành động để truy quét "thiên đường khủng bố" này. Hơn nữa, chỉ vài tuần trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thúc giục Pakistan tiến hành chiến dịch trên như một điều kiện tiên quyết để nhận các gói viện trợ trong tương lai.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng nhu cầu an ninh của Trung Quốc, "người bạn trong mọi thời tiết" của Pakistan còn quan trọng hơn cả sự tính toán của Quốc hội Mỹ.
Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tại khu tự trị Tân Cương, nơi có đa số người Duy Ngô Nhĩ sinh sống và nằm giáp biên giới với Pakistan.
Yêu cầu đòi tăng quyền tự trị cho họ hoặc công nhận nhà nước độc lập được gọi là Đông Turkistan của người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành thành một cái gai trong mắt Bắc Kinh. Các hoạt động "trấn áp khủng bố" này của chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt các vụ tấn công khủng bố trong khu vực và đang lan ra khắp Trung Quốc, gồm cả thủ đô Bắc Kinh.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) có cuộc hội đàm với Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain (trái) đang trong chuyến thăm Trung Quốc. |
Do người Duy Ngô Nhĩ có liên kết chính trị và dân tộc với các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, nên trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thúc giục Islamabad hành động chống lại các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm ủng hộ của họ ở Trung Á như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) cũng có trung tâm hoạt động tại Bắc Waziristan.
Kể từ khi Thủ tướng Nawaz Sharif lên cầm quyền vào tháng 6/2013, Trung Quốc đã tăng mức độ cam kết hỗ trợ kinh tế cho Pakistan, mở rộng đầu tư ở quốc gia này để đổi lấy các hành động cứng rắn của chính phủ Islamabad tiêu diệt các căn cứ của "khủng bố" Tân Cương tại quốc gia này.
Tuy nhiên, những thất bại của Pakistan trong việc chống lại các chiến binh Duy Ngô Nhĩ hoạt động trên lãnh thổ của nước này đã khiến Bắc Kinh vô cùng thất vọng và có thể khiến Islamabad phải trả giá đắt bằng kinh tế.
Hơn nữa, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố "Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM) và đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) từ sau năm 2008 đã khiến Bắc Kinh lo ngại rằng nhóm này không chỉ giúp liên kết các tổ chức khủng bố nhỏ lẻ đang hoạt động tại Bắc Wazitistan lại mà còn mở rộng hoạt động ra ngoài khu vực, sang biên giới Trung Quốc.
Hiện trường một vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Bắc Kinh là người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ nhận được hỗ trợ của các nhóm khủng bố quốc tế trên và mở rộng hoạt động khủng bố tại Trung Quốc. Trên thực tế, các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ gần đây đã tăng hoạt động tại Pakistan như một căn cứ mới nổi của mình.
Thậm chí, một số bằng chứng thu thập được cho thấy nhân viên tình báo Pakistan có liên lạc và quan hệ với các nhóm khủng bố tại khu vực nóng ở miền bắc.
Bắc Kinh mặc dù vẫn thận trọng trong việc công khai đổ lỗi cho Pakistan về sự gia tăng bạo lực gần đây ở Tân Cương, nhưng một số quan chức Urumqi và Kashgar gần đây đã lên tiếng trực tiếp chỉ trích Islamabad.
Vấn đề này tiếp tục gây ra những căng thẳng đằng sau nghị trường giữa Trung Quốc và Pakistan và ảnh hưởng tới một số chương trình hợp tác kinh tế và đầu tư song phương.
Chỉ có các chiến dịch trấn áp khủng bố ở Bắc Waziristan mới có thể trấn an được Trung Quốc. Do đó, truyền thông Pakistan gần đây đã đăng tải một loạt bản tin rằng các chiến binh IMU và ETIM đã thiệt mạng trong các hoạt động an ninh của quân đội Pakistan./.