Những động thái bất ngờ của Công ty Đức Khải
Từng gây xôn xao dư luận với tuyên bố bỏ ra số tiền hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện kế hoạch mua 100 tàu thủy, hai máy bay trực thăng, hai ụ nổi ra ngư trường Hoàng Sa cùng ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản… nhưng mới đây, Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) lại đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xin ưu đã cho dự án khiến dư luận nghi ngờ về độ khả thi.
Trong đề xuất trình lên Thủ tướng, Công ty Đức Khải xin cơ chế ưu đãi về cả nguồn vốn và kỹ thuật. Cụ thể, theo kế hoạch của doanh nghiệp này đưa ra, trong 100 tàu thủy sẽ có 95 tàu đánh bắt, 5 tàu dịch vụ hậu cần. Hầu hết các tàu này đều có tuổi đời từ 10 - 12 năm. Trong khi theo Nghị định 52 về Nhập khẩu tàu cả, các tàu cá vỏ thép muốn nhập về phải không quá 8 năm tuổi với tàu cá thép.
Mẫu tàu thủy sẽ được Công ty Đức Khải mua về để tham gia đánh bắt tại ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Vì vậy Công ty Đức Khải xin Chính phủ tạo cơ chế ưu đãi riêng để nhập tàu cá có tuổi đời vượt quy định của luật.
Cơ chế ưu đãi thứ hai là về nguồn vốn. Theo tính toán của doanh nghiệp, tổng nguồn vốn thực hiện dự án là 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên Công ty Đức Khải xin Thủ tướng tạo cơ chế ưu đãi vay tới 1.350 tỉ đồng (bằng 90% tổng số vốn dự án) với lãi suất 1%.
Thêm một bất ngờ nữa khi vốn thực hiện chưa có phải vay đến 90% nhưng Công ty Đức Khải lại đưa ra kế hoạch lương bổng "không tưởng". Theo đó ông chủ Công ty Đức Khải hứa trả ngư dân ban đầu là 10 triệu đồng/người/tháng nhưng từ năm 2016 sẽ nâng lên 20 triệu đồng/người/tháng, sau đó sẽ cao hơn.
Dự án ngoài tầm với của một doanh nghiệp BĐS?
Chưa biết dự án thành công đến đâu nhưng nhìn vào những con số trên, nhiều người trong giới nghi ngại những kế hoạch của Công ty Đức Khải đang ngoài tầm với của một doanh nghiệp BĐS.
Trước hết phải nói đến nguồn vốn, chưa nói đến vấn đề "tiền hậu bất nhất" về số vốn của doanh nghiệp nêu ra để thực hiện dự án (trước đó đích thân Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải - ông Phạm Ngọc Lâm cho biết doang nghiệp có 30% vốn và vay thêm 70% ), một chuyên gia ngành tài chính ngân hàng khẳng định nhìn vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Đức Khải không mấy khả thi, nguồn vốn có sẵn quá.
"Ngân hàng sẽ chỉ dám cho Công ty Đức Khải vay nếu có bảm lãnh của Chính phủ", vị chuyên gia này khẳng định.
Theo phân tích khi cho vay ngân hàng phải xem kế hoạch kinh doanh, xem xét tài sản thế chấp. Trong trường hợp của Đức Khải, với số tiền vay lớn 1.350 tỉ đồng trong khi lãi xuất doanh nghiệp mong muốn chỉ là 1%, ngân hàng sẽ phải tính toán tài sản thế chấp. Nếu số lấy số tàu thuyền, trực thăng ra thế chấp ngân hàng sẽ khó thu hồi vốn khi vỡ nợ và thanh lý tài sản đó.
Bởi thực tế tài sản thế chấp là tàu thuyền đã qua sử dụng giá trị thấp, trong khi đó việc ra khơi đánh cá sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời vụ, yếu tố thời tiết... điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, thua lỗ và kế hoạch kinh doanh đổ bể. Do đó sẽ tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng nếu đồng ý cho Công ty Đức Khải vay số tiền trên mà không có bảo lãnh.
Cũng đánh giá kế hoạch này của Công ty Đức Khải, theo ông Trần Cao Mưu - Tổng thư ký Hội Nghề Cá Việt Nam, tàu cá đã qua sử dụng hầu hết có công nghệ cũ, bên cạnh chi phí về sửa chữa, tàu cá cũ có nguy cơ tác động đến môi trường nước, môi trường không khí do công nghệ lạc hậu.
Do đó, cần phải cân nhắc kỹ trước khi nhập lượng tàu cá này về vì nếu không am hiểu và có nhiều kiến thức về lĩnh vực này, Công ty Đức Khải sẽ nhập phải tàu quá cũ, qua đó vô hình chung đi tiêu thụ "rác" ngành công nghiệp tàu thủy của các nước phát triển.
Câu hỏi lớn hơn mà rất nhiều người quan tâm đến đề xuất của Công ty Đức Khải thời điểm này là tại sao một công ty thiên về bất động sản, không có nhiều thực lực lại "nhảy" sang lĩnh vực tàu biển hoàn toàn không liên quan? Với số tiền nghìn tỷ trên, nếu cho ngư dân vay trực tiếp liệu rằng có hiệu quả hơn phải qua một Công ty "trái ngành" như Đức Khải?