Trong khi chưa có chương trình, SGK mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các địa phương tăng cường giao quyền chủ động cho các trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo khung thời gian 37 tuần thực học; có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập, thí nghiệm, thực hành, tổ chức hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và kiểm tra định kỳ,
Ảnh minh họa |
Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động chọn lựa nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp liên môn.
Bộ chỉ đạo rà soát, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học, sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng, thiết bị hiện có và mua mới; phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học tại các nhà trường.
Bộ sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình trường học mới (VNEN) cấp tiểu học, triển khai thí điểm mô hình trường học mới cấp THCS đối với một số lớp 6 của các trường THCS thuộc 6 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đăk Lăk, Khánh Hòa; áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014 – 2015. Các hình thức đánh giá, kiểm tra cần phải hướng tới phát triển năng lực của học sinh, coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học; kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để đạt yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục mới, tăng cường thiết bị phục vụ rèn luyện thể lực và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Bộ chỉ đạo thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.