Ông Tập Cận Bình. |
Bloomberg ngày 5/8 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước đã gửi điện chúc mừng ông Joko Widodo cho chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia khi mà kết quả vẫn chưa được xác nhận của Tòa án Tối cao nước này. Tuy nhiên tương tác tiếp theo giữa 2 nhà lãnh đạo có thể sẽ không còn được ấm áp như vậy.
Widodo sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông với một sự hung hăng chưa từng có kể từ khi Indonesia giành được độc lập. Đối với ông Widodo đang chờ ngày nhậm chức, mối quan hệ với Tập Cận Bình sẽ tạo ra những thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình.
Là một nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và dân số lớn thứ tư trên thế giới, Indonesia có tiềm năng đóng vai trò lãnh đạo trong việc tạo dựng các mối quan hệ trong khu vực với Trung Quốc. Điều đó có thể trở thành thử thách đầu tiên, cũng giống như khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản tháng 12/2012, một tháng sau tàu Trung Quốc tăng gấp đôi số lần xâm nhập vùng biển Nhật Bản xem là lãnh hải của mình ở Senkaku.
"Trung Quốc sẽ gây khó khăn rất sớm và chờ xem liệu họ có thể buộc người ta phải cung cấp cho mình một cái gì đó hay không. Người Trung Quốc có xu hướng làm điều này với hầu hết các nhà lãnh đạo mới, những người họ muốn có được một cái gì đó", ông Scott Harold, một nhà phân tích từ Washington chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc bình luận.
Trung Quốc không chỉ làm dấy lên căng thẳng với các nước láng giềng trên Biển Đông như Việt Nam và Philippines bởi yêu sách đường lưỡi bò vô lý họ đưa ra năm 1947. Vào đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc còn hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam với một đội tàu hộ tống đông đảo.
Trước đó, trong hộ chiếu phát hành năm 2012, Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào hộ chiếu, xâm phạm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna, một khu vực đặc biệt nhạy cảm. Công ty năng lượng nhà nước Indonesia PT Pertamina cùng với các đối tác Exxon Mobil và Total SA muốn phát triển các mỏ khí đốt tiềm năng 57 ngàn tỉ feet khối ở Đông Natuna.
Tân Tổng thống Indonesia có thể phải chịu áp lực lớn từ Trung Quốc để chấp nhận yêu sách (vô lý và phi pháp) của Trung Quốc trong tấm bản đồ trên hộ chiếu kia để đổi lại một sự đảm bảo về tính hợp pháp trong những khẳng định khác của Indonesia.
"Điều này sẽ tạo ra tình huống khiến các thành viên ASEAN khác như Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines sẽ phải xem xét lại Jakarta và nói: Chúng tôi không thể dựa vào bạn để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi vì bạn thừa nhận một cái gì đó cho người Trung Quốc", Harold nói.
Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo. |
Cho đến nay Indonesia vẫn cẩn thận không công nhận nước này có tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2010 Indonesia tuyên bố rằng bản đồ lưỡi bò Trung Quốc đệ trình lên Liên Hợp Quốc "rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý quốc tế". Trong tháng 4, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông muốn Trung Quốc giải thích về bản đồ đường lưỡi bò này và yêu cầu Liên Hợp Quốc giúp đỡ.
Trung Quốc có vấn đề không phải với Indonesia mà là một số nước thành viên ASEAN, ông Widodo cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 21/7. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Widodo tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền của Indonesia. "Joko Widodo muốn thể hiện rằng ông là người của chính mình, ông muốn thể hiện chủ nghĩa dân tộc và sẵn sang đương đầu với người Trung Quốc", Bilveer Singh, một giáo sư khoa chính trị đại học Quốc gia Singapore bình luận.
Tân Tổng thống Indonesia có thể sẽ tiếp tục chính sách của người sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono và Ngoại trưởng Natalegawa, 2 nhà lãnh đạo giữ Indoneisa ở vị trí trung gian trên Biển Đông, nỗ lực thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc tiến tới đàm phán, ký kết COC.
"Joko Widodo có thể sẽ tích cực hơn để cố gắng thống nhất ASEAN xung quanh một chiến lược để cân bằng với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông", Jean Pierre Cabestan, giám đốc tổ chức nghiên cứu Quốc tế tại đại học Baptist Hồng Kông nhận định.
"Chúng tôi có ASEAN, và tôi nghĩ rằng nếu ASEAN nói rằng chúng ta phải tham gia vào vấn đề đó, thì chúng ta có thể tham gia", Joko Widodo phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm 21/7. Trong khi có những căng thẳng với người Trung Quốc, ông Joko Widodo cũng sẽ quan tâm đến những cơ hội hợp tác.