Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: VOA. |
Reuters ngày 8/8 đưa tin, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trước những hành động hung hăng của họ ở Biển Đông khi Hoa Kỳ sử dụng một diễn đàn an ninh khu vực cuối tuần này để ủng hộ cho một sáng kiến đóng băng các hành động khiêu khích.
Sự thúc đẩy của Ngoại trưởng Mỹ tại diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) đánh dấu một bước tiến mới trong sự tham dự của Washington vào vấn đề Biển Đông vốn đã căng thẳng trong khu vực thời gian qua sau những hành động của Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ.
John Kerry đến thủ đô Naypyidaw của Myanamar vào ngày Thứ Bảy cùng các nhà ngoại giao hàng đầu từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Liên minh châu Âu và ASEAN tham dự một trong những cuộc họp quan trọng nhất của khu vực trong năm nay. Ngoại trưởng ASEAN bắt đầu các phiên họp của mình từ hôm nay, 8/8.
Bắc Kinh từ chối sự tham gia của Mỹ vào vấn đề Biển Đông và bác bỏ đề xuất của Washington và Manila về việc đóng băng các hành động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông như cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi đá, rặng san hô.
"Ngoại trưởng Mỹ không tìm kiếm một cuộc thách thức. Đây không phải là một trận chiến giữa các siêu cường", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhấn mạnh rằng ông Kerry sẽ kêu gọi tất cả các bên tranh chấp kiềm chế chứ không riêng gì Trung Quốc.
Tuy nhiên Washington trước đó đã chỉ rõ Trung Quốc mới là kẻ khiêu khích, thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương cho biết trong một bài phát biểu hôm 28/7 rằng có bằng chứng cho thấy việc nâng cấp các tiền đồn trên các bãi đá Trung Quốc (đánh chiếm, chốt giữ bất hợp pháp của Việt Nam ở) Trường Sa đã "vượt xa" hoạt động tương tự của các bên yêu sách khác.
Hôm Thứ Năm, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đang lên kế hoạch xây dựng 5 ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), một động thái mới làm leo thang căng thẳng.
Lập trường mạnh mẽ một cách bất thường của Mỹ sẽ tăng thêm áp lực lên Bắc Kinh để giải quyết các mối quan tâm của khu vực và có thể khuyến khích một số nước ASEAN thúc đẩy tiến độ đàm phán, ký kết COC.
"Người Mỹ đã quyết định rằng phải xem xét những gì Trung Quốc làm chứ không phải những gì Trung Quốc nói, họ đã phải nâng cao phản ứng của mình. Kêu gọi đóng băng các hành động khiêu khích nên được xem như cấp độ mới về sự tham gia của Mỹ vào vấn đề Biển Đông trên mặt ngoại giao", Ernest Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington cho biết.
Căng thẳng trên Biển Đông đã tăng vọt trong tháng 5 khi Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN cũng ủng hộ các đề xuất đóng băng những hành động khiêu khích trên Biển Đông và sẽ yêu cầu các nước khác xác định họ sẽ chấm dứt các hành động tương tự, Ngoại trưởng Marty Nattalegawa cho biết.
"Những gì tôi sẽ tìm kiếm tại cuộc họp ASEAN ở Myanmar là để chúng ta có thể giải thích rõ ràng những gì thực sự có ý nghĩa khi chúng ta nói về sự kiềm chế", ông Natalegawa nói với các phóng viên hôm Thứ Ba.
Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN được nhìn thấy bởi Reuters bao gồm cả kêu gọi đóng băng cách hành động gây mất ổn định trên Biển Đông, nhưng điều này cũng có thể bị gỡ bỏ hoặc hạ thấp nếu các nước nhỏ hơn như Campuchia, Lào, Myanmar vốn có quan hệ chính trị, kinh tế sâu sắc với Bắc Kinh chịu sức ép từ Trung Quốc phản đối đưa nội dung này vào tuyên bố chung.